.

New Zealand lo ngại vụ "sữa bẩn"

.

Các sản phẩm sữa Fonterra của New Zealand đang làm chính nước này và các quốc gia là thị trường của hãng lo ngại. Không những thế, Fonterra còn đối mặt với cáo buộc “ém” thông tin.

Giám đốc điều hành Fonterra, ông Theo Spierings (giữa), trả lời báo giới tại Bắc Kinh, Trung Quốc.  						                         Ảnh: Reuters
Giám đốc điều hành Fonterra, ông Theo Spierings (giữa), trả lời báo giới tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ngày 5-8, Công ty Fonterra lên tiếng xin lỗi vì làm các bậc cha mẹ lo lắng về việc một số sản phẩm của hãng nhiễm vi khuẩn có thể gây ngộ độc thịt. Theo các nhà phân tích, vụ việc đang làm tổn hại nghiêm trọng danh tiếng của Fonterra - hãng sữa lớn thứ tư thế giới và là tập đoàn xuất khẩu sữa đứng đầu toàn cầu, vốn được biết đến với sản phẩm sữa “xanh, sạch”, có doanh thu hằng năm khoảng 16 tỷ USD. Đây cũng là cú sốc nặng cho ngành công nghiệp sữa New Zealand. Thủ tướng New Zealand John Key cũng nói rằng, không nghi ngờ gì về vụ kém an toàn này đã hủy hoại hình ảnh Fonterra và đất nước của ông.

Phát biểu tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, Giám đốc điều hành Fonterra, ông Theo Spierings, cho biết hãng này đang nỗ lực kiểm soát vụ việc. Song, ông Spierings nói rằng, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào nhiễm bệnh do sử dụng sản phẩm sữa nhiễm khuẩn.

Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu sữa từ New Zealand làm các nhà quản lý Fonterra lo lắng bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là thị trường béo bở nhất của hãng sữa khổng lồ này. Báo chí Trung Quốc cho hay, gần 80% các sản phẩm sữa nhập khẩu đến từ New Zealand. Ông Spierings đã lập tức đáp chuyến bay đến Bắc Kinh để “trấn an” người tiêu dùng với cam kết an toàn thực phẩm là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Fonterra, đồng thời chia sẻ những lo lắng của các bậc cha mẹ và người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Ngoài Trung Quốc, các sản phẩm sữa của Fonterra được nhập khẩu vào Malaysia, Thái Lan, Saudi Arabia, Việt Nam… Các triệu chứng của ngộ độc thịt bao gồm nôn mửa và tiêu chảy, sau đó là tê liệt và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Năm 2008, scandal “sữa bẩn” của Công ty Sanlu ở Trung Quốc gây tử vong cho 6 trẻ em và làm khoảng 300.000 trẻ khác nhiễm bệnh, khiến không chỉ người dân Trung Quốc mà các nước khác cũng lo ngại vấn đề an toàn đối với các sản phẩm sữa. Cũng từ đó, người Trung Quốc xem các sản phẩm của New Zealand là sự lựa chọn tốt nhất. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập 371.000 tấn sữa bột từ New Zealand.

Mối quan ngại về ngộ độc cũng khiến Nga ngừng nhập khẩu một số sản phẩm sữa New Zealand. Công ty Nutricia của New Zealand và Danone Dumex của Malaysia đã công bố thu hồi một số loại sữa bột trẻ sơ sinh. Dumex ở Thái Lan cũng thu hồi 5 loại sữa bột cho trẻ sơ sinh. Phó Tổng thư ký cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm của Thái Lan Srinuan Korakotchakorn nói rằng, cơ quan này đang xác định bao nhiêu sản phẩm có thể bị ảnh hưởng và sẽ thu hồi khi cần thiết.

Trong lúc này, Fonterra lại chịu thêm một đòn giáng nữa khi Thủ tướng John Key cáo buộc hãng này chậm công bố thông tin về sữa nhiễm khuẩn. Ông Key cho biết, các đợt kiểm tra vào tháng 5 năm ngoái cho thấy có vấn đề đối với ba lô hàng sữa protein cô đặc. Song, theo người đứng đầu Chính phủ New Zealand, thật khó hiểu vì sao Fonterra lại phản ứng chậm như vậy.

Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Fonterra, dấu hiệu đầu tiên sữa nhiễm khuẩn mới được phát hiện hồi tháng 3 năm nay. Hãng đã kiểm tra và không tìm thấy chất gây hại cho đến ngày 31-7, thời điểm Fonterra thông báo vụ việc đến người tiêu dùng cũng như Chính phủ New Zealand trong vòng 24 tiếng đồng hồ khi xác định được nguyên nhân.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.