.

Nhật đối mặt khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng

.

Khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản ngày 21-8 được báo động từ cấp độ 1 - mức “bất thường” lên cấp độ 3 - mức “sự cố nghiêm trọng”.

Các nhà chức trách kiểm tra hiện trường nhà máy Fukushima Daiichi để tìm cách ngăn chặn nước nhiễm phóng xạ chảy ra đại dương.                                        Ảnh: Reuters
Các nhà chức trách kiểm tra hiện trường nhà máy Fukushima Daiichi để tìm cách ngăn chặn nước nhiễm phóng xạ chảy ra đại dương. Ảnh: Reuters

Hai năm sau thảm họa động đất, sóng thần tàn phá Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào tháng 3-2011, khủng hoảng hạt nhân lại là vấn đề “nóng” ở Nhật Bản khi xảy ra vụ rò rỉ phóng xạ lớn tại Nhà máy điện Fukushima số 1. Vụ việc được xem là sự cố nghiêm trọng nhất trong quá trình khắc phục khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản.

Các nhà chức trách cho biết, 300 tấn nước chứa phóng xạ đã rò rỉ khỏi một bồn chứa và sự cố vẫn chưa được khắc phục. Song, Masayuki Ono - phát ngôn viên của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho hay, nước phóng xạ chủ yếu ngấm xuống đất và không có dấu hiệu chảy ra biển.

Vụ rò rỉ này cũng làm gia tăng quan ngại khả năng bắt đầu một cuộc khủng hoảng mới trong lúc những “rắc rối cũ” vẫn chưa được giải quyết, hàng chục ngàn người sơ tán vẫn chưa thể trở về nhà. Cơ quan Điều phối hạt nhân (NRA) ở Nhật lo lắng về việc thảm họa vượt quá khả năng của TEPCO - đơn vị quản lý Nhà máy Fukushima Daiichi, vốn bị chỉ trích gay gắt rằng đã không chuẩn bị ứng phó thảm họa. NRA giục TEPCO thúc đẩy giám sát rò rỉ và có những biện pháp phòng ngừa. “Chúng ta đang ở trong tình huống không được lãng phí thời gian”, ông Shunichi Tanaka - Chủ tịch NRA nói. NRA sẽ thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và tham vấn cơ quan này về tính chính xác trong đánh giá của mình.

Theo Reuters, việc nâng mức báo động, từ mức 1 lên mức 3 là hành động nghiêm trọng kể từ vụ động đất, sóng thần vào năm 2011. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 21-8, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực để sớm ngăn chặn rò rỉ phóng xạ vào nguồn nước.

Trung Quốc bày tỏ cảm giác “sốc” trước thông tin Fukushima vẫn còn tình trạng nước nhiễm phóng xạ mặc dù thảm họa đã xảy ra cách đây 2 năm. Bắc Kinh thúc giục Tokyo cung cấp thông tin “kịp thời và kỹ lưỡng”. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hy vọng Nhật Bản có thể có các bước hiệu quả để kết thúc tác động tiêu cực của thảm họa hạt nhân Fukushima. Còn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc yêu cầu Chính phủ Nhật Bản công khai giải thích các biện pháp ngăn chặn phóng xạ từ Nhà máy Fukushima số 1 rò rỉ ra Thái Bình Dương và đe dọa các ngư trường trong khu vực.

Đầu tháng 8 này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mô tả đất nước Đông Bắc Á này đối mặt với tình trạng khẩn cấp trong “cuộc chiến” chống nước nhiễm phóng xạ chảy ra đại dương. Chính phủ Nhật và NRA bỗng liên quan trực tiếp đến công tác khắc phục sự cố ở Fukushima Daiichi, thay vì giao hoàn toàn cho TEPCO.

Trong lúc đó, theo Đài NHK của Nhật, qua kiểm tra y tế, các nhà chức trách phát hiện 18 trẻ em bị ung thư tuyến giáp. Các chất phóng xạ thoát ra trong cuộc khủng hoảng được cho là có thể tích tụ trong tuyến giáp của trẻ em, làm gia tăng nguy cơ ung thư. Tỉnh Fukushima đang kiểm tra sức khỏe đối với 360.000 trẻ em từ 18 tuổi trở xuống ở thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.