.

Những ngày không bình yên ở Ai Cập

.

Với 525 người thiệt mạng ở Ai Cập chỉ trong hai ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi đây là sự thảm sát và thúc giục hành động của Hội đồng Bảo an LHQ.

Cảnh sát trấn áp những người biểu tình ủng hộ ông Mohammed Mursi. 						                    Ảnh: Reuters
Cảnh sát trấn áp những người biểu tình ủng hộ ông Mohammed Mursi. Ảnh: Reuters

Ai Cập vẫn tiếp tục trải qua những ngày không bình yên trong bạo lực, trong sự đối đầu giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi và Chính phủ lâm thời có sự hậu thuẫn của quân đội. Các nhà quan sát dự báo, khủng hoảng chính trị, bất ổn, bạo lực đẫm máu sẽ vẫn ngự trị trên đất nước kim tự tháp này khi các lực lượng đều không ai nhượng bộ ai, mặc dù Cairo và các thành phố khác trở nên khá yên tĩnh trong đêm 14-8.

Bộ Y tế Ai Cập cho biết, số người chết trong các cuộc xung đột ngày 14 và 15-8 lên đến 525 người, cùng 3.572 người khác bị thương. Ngày 14-8, con số 300 người chết đã là sự kinh hoàng, báo hiệu bất ổn đang nhanh chóng lan rộng và khủng hoảng leo thang ở Ai Cập. Vì vậy, những diễn biến mới trong ngày 15-8 ở mức báo động. Người phát ngôn Bộ Y tế Khaled el-Khateeb nói rằng, số người thiệt mạng sẽ còn tăng. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo của ông Mursi cũng khẳng định số người chết thực tế cao hơn thế.

Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong ngày 15-8, theo kêu gọi của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Theo Reuters, đây là vụ thảm sát thứ ba nhằm vào những người biểu tình Hồi giáo kể từ khi ông Mursi bị lật đổ nhưng cách thức quân đội tiến hành lần này gây ngạc nhiên và chấn động.

Tại Ankara, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thúc giục Hội đồng Bảo an LHQ nhanh chóng nhóm họp và hành động sau những gì mà ông mô tả là sự thảm sát ở Ai Cập. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi vụ việc là sự thương tâm và là “đòn giáng thật sự vào những nỗ lực hòa giải dân tộc”. Cao ủy về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đều chỉ trích việc dùng vũ lực. Tổng thống Pháp Francois Hollande triệu Đại sứ Ai Cập tại Paris đến để bàn thảo. Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh, bạo lực không giải quyết được vấn đề và cần có sự nhượng bộ từ tất cả các bên. Tuy nhiên, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), một trong những quốc gia vùng Vịnh, lại bày tỏ sự ủng hộ vụ trấn áp lần này và cho rằng, Chính phủ Ai Cập phải thực hiện tối đa quyền tự kiểm soát.

Hãng AP dẫn lời các nhà quan sát nhận định, thật khó dự đoán được tình hình ở Ai Cập trong lúc này khi Thủ tướng lâm thời Hazem Beblawi vẫn kiên quyết bảo vệ hành động của Chính phủ và nói rằng, cần khôi phục an ninh cho đất nước. Tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm được ban bố trở lại. Theo đó, quân đội có quyền bắt giữ và giam giữ vô thời hạn những nghi phạm như lực lượng này từng thực hiện dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak, người bị lật đổ trong cuộc nổi dậy vào đầu năm 2011.

Tuy nhiên, quân đội khẳng định không tìm kiếm quyền lực và việc phế truất ông Mursi vào ngày 3-7 vừa qua là hành động thuận theo các cuộc biểu tình quy mô lớn kêu gọi nhà lãnh đạo Hồi giáo này từ chức. Hiện Chính phủ lâm thời thúc đẩy các kế hoạch để tổ chức bầu cử trong vòng 6 tháng, nhưng những nỗ lực khôi phục dân chủ dường như bị phủ bóng đen bởi khủng hoảng chính trị và sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đất nước có 84 triệu dân.

Trong lúc đó, Phó Tổng thống lâm thời Mohamed ElBaradei, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, lại từ chức để phản đối hành động trấn áp người biểu tình. Thư từ chức của ông được gửi lên Tổng thống lâm thời Adly Mansour mang theo thông điệp đáng lo ngại cho đất nước chìm trong khủng hoảng hơn 2 năm qua. Điều đáng nói, ông ElBaradei là một trong những nhân vật nổi bật nhất ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Mursi và từng sẵn sàng tham gia Chính phủ lâm thời.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.