.

Quan hệ Mỹ - Nga không xấu đi

.

Căng thẳng dấy lên giữa Mỹ và Nga xung quanh vụ Edward Snowden đã được xoa dịu bằng cuộc gặp 2+2 của các quan chức quốc phòng, ngoại giao hai nước và bằng tuyên bố mạnh mẽ, mang tính “gỡ rối” của Tổng thống Barack Obama vào cuối tuần qua.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry gặp gỡ tại Washington ngày 9-8 vừa qua.                                       		              Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry gặp gỡ tại Washington ngày 9-8 vừa qua. Ảnh: Reuters

Ông Obama tuy phàn nàn đôi chút về việc Nga giữ quan điểm “chiến tranh lạnh” với Mỹ kể từ khi ông Vladimir Putin trở lại Điện Kremlin vào tháng 5 năm ngoái, nhưng khẳng định quan hệ giữa hai cường quốc không bị phá vỡ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong cuộc gặp 2+2 tại Washington, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cùng ngồi vào bàn nghị sự về an ninh và chiến lược với hai người đồng cấp Nga là Sergei Lavrov và Sergei Shoigu.

Các nhà quan sát cho rằng, với hàng loạt vấn đề liên quan - đều là mối quan tâm chung giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga đều ngại ngần nếu để mất lòng nhau. Ngoài câu chuyện tị nạn của Snowden, hai nước còn phải chung tay giải quyết cuộc chiến tranh ở Syria, vấn đề phòng thủ tên lửa, giải giáp hạt nhân, chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên… Vì vậy, việc ông Obama hoãn cuộc gặp với người đồng cấp Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Mátxcơva vào tháng 9 tới chỉ là “trục trặc” nhất thời xung quanh cuộc truy lùng Snowden, chứ không thể làm quan hệ Mỹ - Nga xấu đi. Bởi lẽ, ông chủ Nhà Trắng đã không có sự lựa chọn nào khác khi đối mặt với sức ép của các đối thủ ở trong nước.

Các chuyên gia Mỹ cho rằng, vụ Snowden chỉ là vấn đề rất nhỏ và không phải là nguyên nhân chính để có thể làm quan hệ Mỹ - Nga “đóng băng”, như những đồn đoán. Mặc dù việc Snowden chạy trốn sang Hong Kong, rồi sang Nga được cho là tình cờ tạo nên cuộc chiến ngoại giao giữa 3 cường quốc, nhưng mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh, giữa Washington với Mátxcơva cũng không thể nào bị đẩy đến mức “đóng băng”.

Riêng với Nga, nếu Washington và Mátxcơva “đóng cửa” với nhau chỉ vì một giấy tị nạn tạm thời được cấp cho Snowden, thì sẽ là điều lợi bất cập hại. Trong khi đó, Washington rất cần tiếng nói của Nga tại Hội đồng Bảo an LHQ. Mỹ đã thừa nhận không có căn cứ nào để chỉ trích Mátxcơva và áp đặt các biện pháp trả đũa. Thành ra, Snowden cứ đàng hoàng ở lại Nga…

Thực chất, lời mời ông Obama gặp ông Putin tại Mátxcơva vẫn được Điện Kremlin để ngỏ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhận định sau cuộc gặp 2+2 rằng: “Chúng tôi không hề có chiến tranh lạnh, thay vào đó, chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ”. Chính Tổng thống Obama khẳng định không có việc Mỹ “tẩy chay” Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi (Nga) vì đó là hành động không phù hợp.

Câu chuyện về quan hệ Mỹ - Nga “nóng” lên trong tuần qua, nhưng chỉ dừng lại ở một chừng mực nào đó, chứ không thể trở nên “xấu đi nghiêm trọng” khi trong quá khứ, hiện tại và tương lai, hai nước không những gặp nhau ở rất nhiều diễn đàn quốc tế mà còn có tiếng nói quan trọng.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.