Cảnh báo về khả năng Al-Qaeda thực hiện một cuộc tấn công, đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi trong tháng 8 này, khiến các nhà chức trách Mỹ cũng như nhiều nước khác bất an.
An ninh gần Đại sứ quán Anh ở Sanaa của Yemen sau khi có cảnh báo toàn cầu của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Một cuộc họp khẩn cấp của giới chức an ninh của Mỹ đã diễn ra vào ngày 3-8 tại Washington (giờ địa phương) với sự tham dự của Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cùng những người đứng đầu Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân...
Với Mỹ, đe dọa lần này nghiêm trọng hơn những lần trước bởi mục tiêu còn là các nước phương Tây, chứ không riêng gì những lợi ích của Washington ở nước ngoài. “Có một mối đe dọa lớn và chúng tôi đang phản ứng đối với sự việc này”, Tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - nói với ABC News. Vì vậy, cảnh báo toàn cầu của Mỹ khiến người ta liên tưởng đến khả năng xảy ra vụ việc tương tự sự kiện 11-9-2001 nhưng quy mô sẽ lớn hơn, nhằm vào nhiều nước hơn, với phạm vi ảnh hưởng trải dài từ Mauritania ở Tây Bắc Phi cho đến Afghanistan.
Gần một năm kể từ vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya và gần 12 năm kể từ vụ 11-9-2001, câu chuyện an ninh ở Mỹ và các cơ sở ở nước ngoài tưởng như tạm gác lại thì nay lại dấy lên những lo ngại. Điều này cho thấy sự trỗi dậy của khủng bố chưa bao giờ ngủ yên và vẫn là điều ám ảnh với Mỹ.
21 Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Mỹ trên khắp thế giới Hồi giáo, trong đó có Yemen, đóng cửa vào ngày 4-8. Và đây cũng là lần đóng cửa các cơ sở ngoại giao ở nước ngoài của Mỹ một cách quy mô nhất, theo mô tả của ông Christopher Hill - cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq.
Yemen là nhà của các cơ sở, mạng lưới Al-Qaeda nguy hiểm nhất, bị quy trách nhiệm trong hàng loạt âm mưu chống lại Mỹ. Tổng thống Yemen, Abdo Rabby Mansour Hadi, tuần trước gặp gỡ Tổng thống Obama tại Nhà Trắng và nhấn mạnh sự hợp tác chống khủng bố giữa hai nước. Ngay sau đó, Washington tiến hành cuộc không kích tiêu diệt 6 chiến binh tình nghi là thành viên Al-Qaeda ở bán đảo Arab này. Trước cảnh báo của Mỹ, các nước như Anh, Đức, Pháp đều lần lượt đóng cửa các Đại sứ quán tại Yemen trong ngày 4 và 5-8, đồng thời khuyến cáo công dân không nên đến nơi đây trong tháng 8 - “tháng cao điểm” của khủng bố.
Chưa rõ cảnh báo có thành hiện thực hay không, nhưng cũng đủ minh chứng chính sách chống khủng bố năm nào do Tổng thống G.W.Bush đưa ra bằng các cuộc chiến chống Afghanistan và Iraq không làm khủng bố giảm đi, dù trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt ở Pakistan.
Tướng về hưu của Mỹ James Mattis gọi cách xử trí và quyết định đóng cửa các Đại sứ quán, Lãnh sự quán của ông Obama hiện tại là sự khôn ngoan, nhưng dù sao đây cũng chỉ là phản ứng tạm thời. Còn thực tế, vẫn chưa có cơ sở để khẳng định sẽ không tái diễn vụ 11-9-2001 nữa. Bởi lẽ, các Đại sứ quán của Mỹ vẫn là mục tiêu ở những nơi như Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ, Tanzania... Hơn nữa, Al-Qaeda ở bán đảo Arab là một trong những mạng lưới khủng bố nguy hiểm nhất, một trong những chi nhánh khủng bố có sức hủy diệt nhất. Và như thế, tháng 8 sẽ là tháng đầy bất an với Mỹ.
VĨNH AN