Ngày 22-8, Tòa thánh Vatican đã kêu gọi cảnh giác về cáo buộc của phe đối lập Syria, trong đó nói rằng chính quyền nước này sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công khu ngoại ô Damascus.
Ảnh minh họa |
Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên hợp quốc (LHQ), ông Silvano Tomasi cho hay: "Không thể đánh giá khi chưa có bằng chứng thuyết phục. Chính phủ Damascus được lợi gì trước mắt nếu gây ra thảm kịch như vậy?". Ông cũng nhấn mạnh Vatican phản đối can thiệp vũ trang vào Syria, đồng thời kêu gọi đối thoại "không có điều kiện tiên quyết" và một "chính phủ chuyến tiếp".
Ông Tomasi nói rằng "kinh nghiệm với Iraq và Afghanistan đã cho thấy can thiệp vũ trang không đem lại kết quả mang tính xây dựng", đồng thời kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho cả chính phủ và phe đối lập Syria.
Nhà ngoại giao Vatican cũng chỉ trích rằng "sự phân tích không hoàn chỉnh" về tình hình Syria và Trung Đông là sản phẩm của truyền thông. Nhiều người Công giáo tại Syria ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad vì cho rằng ông đảm bảo một nhà nước đa tín ngưỡng.
Liên quan đến vụ tấn công vũ khí hóa học nói trên, ngày 22-8, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã yêu cầu chính phủ Xyri cho phép các thanh sát viên LHQ điều tra vụ tấn công khí ga và cho phép họ tới khu vực được cho là xảy ra vụ tấn công này tại ngoại ô Damascus. Văn phòng báo chí của ông Ban ra tuyên bố nêu rõ: "Yêu cầu chính thức đã được LHQ gửi tới Chính phủ Syria... Tổng thư ký hy vọng nhận được phản hồi tích cực ngay lập tức".
Cùng ngày, Nga cho rằng nhóm thanh sát vũ khí của LHQ phải được chính phủ Syria chấp thuận mới được tới địa điểm xảy ra vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở gần thủ đô Damascus mà phe đối lập nước này cho là giết hại hàng trăm người.
Theo Vietnam+