Trong cuộc bầu cử đầu tiên vào ngày 22-9 kể từ khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng nợ công ở châu Âu cách đây 4 năm, cử tri Đức dường như sẽ trao cho nữ Thủ tướng Angela Merkel thêm nhiệm kỳ thứ ba. Song, bà phải liên minh với đối thủ cánh tả để hình thành Chính phủ.
Thủ tướng Angela Merkel được xem là “người hùng” của nước Đức trong bối cảnh khối eurozone đối mặt với khủng hoảng nợ công. Ảnh: AFP |
Tuy có đến 34 đảng tranh cử, nhưng đây là cuộc đua giữa hai đảng lớn nhất trong Quốc hội là Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Merkel và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Peer Steinbruck, với sự tham gia bỏ phiếu của gần 62 triệu cử tri.
Thăm dò ngay trước thềm bầu cử cho thấy, liên minh CDU/SCU và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) dẫn đầu với khoảng 39% số phiếu ủng hộ. Và theo AP, tỷ lệ ủng hộ dành cho riêng bà Merkel lên đến 70%, đủ để bảo đảm nữ lãnh đạo này tiếp tục cương vị Thủ tướng. Trong lịch sử nước Đức hơn 50 năm qua với 17 kỳ bầu cử Quốc hội, chưa có một đảng đơn lẻ nào giành đa số ghế trong cơ quan lập pháp này nên nếu FDP không giành được 5% để có chân trong Quốc hội, thì việc bà Merkel phải liên minh với một đảng thứ ba là điều dễ hiểu. Giáo sư khoa học chính trị Oskar Niedermayer tại Đại học Tự do ở Berlin cho rằng, CDU/CSU sẽ giành chiến thắng chật vật.
Phát biểu trong một chiến dịch tranh cử ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel kêu gọi người dân Đức trao cho bà thêm một nhiệm kỳ 4 năm, để thực hiện các chính sách “vì một nước Đức hùng mạnh, vì một đất nước được châu Âu tôn trọng”. Nhiều người tập trung trên các con phố, mang theo chân dung nữ Thủ tướng và các panô mang chữ “Angie” (tên của Angela Merkel) để bày tỏ sự ủng hộ bà.
Bà Merkel trở thành Thủ tướng vào năm 2005 sau khi đánh bại người tiền nhiệm Schroeder. Trong nhiệm kỳ thứ hai với nhiều khó khăn, thách thức, bà đã dẫn dắt nước Đức không sa vào vết xe đổ của c ác nước trong khu vực sử dụng đồng euro. Trong khi các nước khác khủng hoảng tài chính trầm trọng, nền kinh tế của Đức vẫn phát triển, tỷ lệ thất nghiệp giảm (tỷ lệ thất nghiệp chỉ 6,8%, bằng 1/4 tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp). Tuy nhiên, vấn đề tồn tại được đặt ra là khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng.
Không những thế, đối với khủng hoảng nợ công ở eurozone, bà Merkel là người khởi xướng chính sách thắt lưng buộc bụng, thực hiện cải cách triệt để nhằm đạt được các gói cứu trợ, giữ vững sự gắn kết của liên minh tiền tệ.
Trong khi đó, ứng cử viên Steinbruck nỗ lực lấy lòng cử tri ở Berlin và các thành phố lớn. Ông tuyên bố sẽ lập lại công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo bằng việc áp dụng mức lương tối thiểu 8,50 euro/giờ, tăng thuế đối với những người có thu nhập hơn 100.000 euro/năm từ mức 42% hiện nay lên 49%...
Trong trường hợp liên minh trung hữu của bà Merkel không giành được đa số ghế, CDU có thể phải bắt tay với SPD. Theo ông Manfred Guellner - Giám đốc Viện Thăm dò dư luận Forsa, thật bất ngờ khi kịch bản một đại liên minh lại được nhiều ý kiến ủng hộ, bởi cử tri kỳ vọng vào các chính sách hướng tới sự đồng thuận chung và họ mong muốn hai đảng hàng đầu cùng nhau đối mặt với những vấn đề mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang gặp phải.
Hãng AP cho biết, một đảng mới toanh - Đảng Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD), vốn phản đối đồng tiền chung châu Âu (euro) - có thể tham gia Quốc hội. Theo đó, số ghế trong Quốc hội sẽ bị chia nhỏ hơn. Song, điều đáng nói là với sự hiện diện của AfD, kế hoạch phục hưng, bảo toàn đồng euro của bà Merkel có thể sẽ gặp nguy hiểm.
Các nhà phân tích cho rằng, chính sách của tân nội các sẽ tác động đáng kể đến các giải pháp tháo gỡ khủng hoảng nợ công ở khối eurozone.
VĨNH AN