.

Bước tiến của Nga ở Trung Đông

.

Hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 12-9, dự kiến kéo dài đến ngày 14-9, nhằm thúc đẩy sáng kiến “đổi vũ khí lấy hòa bình” của Mátxcơva đối với Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp gỡ người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại Điện Kremlin vào tháng 12-2006.  				                    Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp gỡ người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại Điện Kremlin vào tháng 12-2006. Ảnh: AP

Đồng hành với Ngoại trưởng Kerry là các chuyên gia vũ khí hóa học của Mỹ. Các chuyên gia này xem xét và có thể phát triển sáng kiến của Nga để bảo đảm an toàn trong việc chuyển giao kho vũ khí hóa học tại Syria. Trong khi đó, đồng hành với Ngoại trưởng Lavrov là các chuyên gia kỹ thuật của Nga.

Hãng AP cho biết, Mỹ kỳ vọng một thỏa thuận giữa nước này với Nga có thể tháo ngòi nổ hiện tại, nhất là khi cuộc họp bất thường giữa các thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ (gồm Mỹ, Anh Pháp, Nga và Trung Quốc) diễn ra tại New York không đạt được sự đồng thuận nào về vấn đề Syria. Một nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an LHQ nói rằng, các bên có vẻ muốn nhường quyền chủ động cho ông Kerry và ông Lavrov.

Cũng theo một nhà ngoại giao, cuộc gặp gỡ giữa hai Ngoại trưởng Kerry và Lavrov là sự thăm dò xem liệu Mỹ và Nga có bắt tay thực hiện “nhiệm vụ nặng nề” hay không: tháo dỡ vũ khí hóa học của Syria trong lúc Damascus đang xảy ra nội chiến.

Với sáng kiến “đổi vũ khí lấy hòa bình”, Nga được cho là đang tạo vị thế mới ở Trung Đông, là cứu cánh cho Mỹ khi các thăm dò đều cho thấy Tổng thống Barack Obama bị người dân trong nước, thậm chí có thể là cả Quốc hội “quay lưng” với kế hoạch tấn công Syria. Ông Leo Aron, chuyên gia hàng đầu về chính sách Nga tại Viện doanh nghiệp Mỹ, cho rằng đây là chiến thắng địa chiến lược quốc tế to lớn của Tổng thống Vladimir Putin. “Nga hiện có vị thế của một cường quốc tại Trung Đông”, ông Aron nói. Theo một bài phân tích của AP đăng tải ngày 12-9, đề xuất của Nga về Syria đánh dấu sự trở lại của một quốc gia từng bị Mỹ lấn lướt tại khu vực Trung Đông sau cuộc chiến 1973.

Chưa rõ ông Kerry và ông Lavrov sẽ làm gì để thúc đẩy việc đặt kho vũ khí của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế trước khi tiêu hủy. Đề xuất của Nga và ngay cả sự đồng ý bất ngờ của Syria trong việc chuyển giao vũ khí cũng gây nhiều tranh cãi. Tại Geneva lần này, Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ gặp gỡ đặc sứ LHQ và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi, trước khi Thượng viện Mỹ tuần đến bỏ phiếu thông qua kế hoạch tấn công Syria.

Trong khi đó, với bài viết đăng trên Báo New York Times ngày 12-9, Tổng thống Nga Putin cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiến hành giải pháp ngoại giao bằng việc cảnh báo hành động can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria sẽ khiến hoạt động khủng bố lan rộng trên toàn cầu. “Cuộc tấn công có thể làm gia tăng bạo lực và mở ra một làn sóng khủng bố mới”, ông Putin nhấn mạnh việc nhiều thành viên thuộc lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Assad có quan hệ với Al-Qaeda.

Hãng AFP dẫn lời nhà lãnh đạo Điện Kremlin nói rằng, các cuộc tấn công có thể làm suy yếu những nỗ lực đa phương để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran hay cuộc xung đột Israel - Palestine, tiếp tục gây bất ổn cho khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời sẽ khiến toàn bộ hệ thống luật pháp và quy tắc quốc tế mất cân bằng. “Chúng ta phải ngừng dùng ngôn ngữ vũ lực”, Tổng thống Putin nói.

Theo ông Putin, Nga không bảo vệ Chính phủ Syria mà chỉ bảo vệ luật pháp quốc tế. Ông cũng hoan nghênh thiện chí của Washington trong việc ủng hộ sáng kiến của Mátxcơva. Tuy nhiên, Tổng thống Nga vẫn giữ quan điểm ủng hộ người đồng minh Assad khi khẳng định chính quyền Syria không sử dụng khí độc sarin trong cuộc tấn công vào 21-8 vừa qua ở ngoại ô Damascus, mà là phe nổi dậy đã sử dụng nhằm kích động sự can thiệp của các lực lượng bảo trợ ở nước ngoài.

Hãng Reuters cho hay, cùng quan điểm với ông Putin, Quốc hội Nga đã kêu gọi Mỹ không tiến hành chiến dịch tấn công và tuyên bố hành động quân sự có thể là tội ác chống lại người dân Syria.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.