.

Cần hội nghị hòa bình cho Syria

.

Một hội nghị hòa bình quốc tế được cho sẽ là giải pháp tìm kiếm kết thúc xung đột kéo dài hơn 2 năm ở Syria, thay cho hành động quân sự mà Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) gặp gỡ người đồng cấp Syria Walid al-Moualem tại Mátxcơva. 	Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) gặp gỡ người đồng cấp Syria Walid al-Moualem tại Mátxcơva. Ảnh: Reuters

Nga và Syria ngày 9-9 thúc giục Mỹ ngừng kế hoạch tấn công Damascus, tập trung vào việc hướng đến hội nghị hòa bình quốc tế. Lời kêu gọi này được đưa ra sau những cuộc đàm phán giữa các ngoại trưởng ở thủ đô Mátxcơva của Nga. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cho rằng, lý do Syria sử dụng vũ khí hóa học chỉ là cái cớ để Mỹ can thiệp quân sự.

Ông Moualem nghi ngờ động cơ của Mỹ, cho rằng kênh ngoại giao để giải quyết khủng hoảng Syria chưa đến hồi bế tắc để Tổng thống Barack Obama phải cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Syria cáo buộc ông Obama hậu thuẫn lực lượng Hồi giáo cực đoan. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo các cuộc không kích của Mỹ tại Syria có thể làm khủng bố lan rộng.

Hãng Reuters cho biết, Quốc hội Mỹ nhóm họp vào chiều 9-9 (sáng sớm 10-9, giờ Việt Nam) để xem xét kế hoạch của ông Obama trong việc tấn công Syria. Nhà Trắng đang nỗ lực thuyết phục cơ quan lập pháp bỏ phiếu đánh quốc gia Trung Đông mà họ cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ngày 21-8 vừa qua, làm hơn 1.400 người chết. Việc tranh luận về Syria có thể kéo dài tại Thượng viện và việc bỏ phiếu sẽ diễn ra sớm nhất vào ngày 11-9. Sau đó, Hạ viện sẽ xem xét vào cuối tuần này hoặc tuần tới.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, trong lúc này, ông Obama dường như bị cô lập. Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ phản đối tấn công Syria. Nghị sĩ Jim McGovern (bang Massachusetts) nói rằng, Tổng thống cần rút lại kế hoạch trước khi gặp thất bại.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Obama sẽ xem xét lại việc đánh Syria hay không, nhưng có những đồn đoán Washington có thể trở lại Hội đồng Bảo an LHQ để tìm kiếm một Nghị quyết cho vấn đề này. Chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau khi gặp gỡ các Ngoại trưởng Arab tại thủ đô Paris của Pháp đã không loại trừ khả năng Mỹ cần giải pháp từ Hội đồng Bảo an LHQ - nơi Washington vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc.

Song, trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 9-9, ông Kerry nhấn mạnh: Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tránh được cuộc không kích bằng cách giao nộp tất cả vũ khí hóa học trong vòng một tuần. Tuy nhiên, ngay lập tức, ông khẳng định điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ vẫn bày tỏ tin tưởng vào bằng chứng mà Washington và các nước khác đưa ra về việc Chính phủ Damascus dùng vũ khí hóa học, mặc dù Tổng thống Assad liên tiếp bác bỏ cáo buộc này. Ông Kerry còn cho rằng, ở Syria chỉ có 3 người kiểm soát việc sử dụng vũ khí hóa học, bao gồm: Tổng thống Assad; Maher al-Assad, em trai của ông Assad; và một tướng lĩnh. Báo cáo về kết quả thanh sát của LHQ tại Syria dự kiến được công bố vào cuối tuần này. LHQ chỉ xác định vũ khí hóa học có được sử dụng hay không, chứ không cần xác định ai chịu trách nhiệm.

Trao đổi qua điện thoại với ông Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng giục Mỹ nên trở lại Hội đồng Bảo an để tìm đối sách phù hợp. Ông Vương Nghị nói rằng, các nước liên quan nên “suy nghĩ 3 lần” trước khi hành động và phải thực hiện hết sức thận trọng.

Ngày 10-9, Tổng thống Obama sẽ phát biểu trên đài truyền hình, trước công chúng Mỹ. Song, các đồng minh chính trị của ông quan ngại, đây là phép thử đối với quyền lực của người đứng đầu Nhà Trắng, khi các cuộc thăm dò đều cho thấy đa số người Mỹ phản đối kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria. Theo thăm dò mới nhất của Reuters/Iposos, 56% người Mỹ tin rằng Washington không nên can thiệp vào Syria, chỉ có 19% ủng hộ hành động này.

Hãng Reuters cũng cho hay, điều mà ông Assad quan ngại là một cuộc tấn công của nước ngoài có thể làm suy yếu quân đội Syria và làm mất cân bằng đất nước vốn trải qua hơn 2 năm nội chiến.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.