.

Phương Tây chờ cuộc gặp lịch sử với Iran

.

Lần đầu tiên trong 6 năm qua, Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Iran sẽ gặp gỡ trực tiếp trong cuộc họp bàn về chương trình hạt nhân của Tehran. Ngoại trưởng của 5 nước khác (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức) cũng sẽ tham dự sự kiện này.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) gặp gỡ người đồng cấp Anh William Hague tại New York.  				        Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) gặp gỡ người đồng cấp Anh William Hague tại New York. Ảnh: AFP

Cuộc gặp của các Ngoại trưởng 5+1 và Iran sẽ diễn ra vào ngày 26-9, bên lề phiên họp của Đại hội đồng LHQ ở New York, giữa lúc có những dấu hiệu về khả năng “tan băng” trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran.

Hãng AP dẫn lời bà Catherine Ashton, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), nói rằng bà thấy rõ quyết tâm của Iran để thúc đẩy đàm phán với P5+1. Cũng theo AP, sự có mặt của Ngoại trưởng John Kerry (cùng với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif) đánh dấu lần nhóm họp đầu tiên giữa hai quan chức ngoại giao cấp cao hàng đầu của hai nước kể từ tháng 5-2007 đến nay. Lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ là bà Condoleezza Rice đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Iran Manoucher Mottaki tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh (Ai Cập).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki bày tỏ hy vọng Chính phủ Iran sẽ tham gia cùng cộng đồng quốc tế để đạt được một giải pháp ngoại giao đối với chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) trong một cuộc điều tra. Những bước tiến mới này có được sau khi Tổng thống Iran Hassan Rowhani kêu gọi nối lại đàm phán mà không có điều kiện nào và khẳng định đất nước của ông sẽ không bao giờ chế tạo bom hạt nhân. Khi lên nắm quyền, ông Rowhani chủ trương ôn hòa để xoa dịu căng thẳng với phương Tây. Tháng 8 vừa qua, ông nói rằng, Bộ Ngoại giao Iran sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán với các cường quốc, thay vì giao cho Hội đồng An ninh quốc gia tối cao của quốc gia này.  

Theo AFP, kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, liên hệ cấp cao giữa những quan chức Mỹ và Iran là điều hiếm hoi. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu “tan băng” khác, Nhà Trắng cho biết sẽ không loại bỏ khả năng Tổng thống Barack Obama gặp người đồng cấp Iran Hassan Rowhani bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ trong tuần này, mặc dù trong lịch trình không hề có cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran.  

Những diễn biến trên không có nghĩa hai quốc gia từng đối đầu nhau dễ dàng tìm được tiếng nói chung. AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định: Washington và các đồng minh vẫn tin rằng, Tehran có khả năng chế tạo bom hạt nhân và đang chờ đợi những động thái cải thiện quan hệ từ phía Tổng thống Rowhani. Washington khẳng định sẽ không dỡ bỏ cấm vận đối với Tehran nếu không thấy sự tiến triển nào.

Sáng 24-9 (tối cùng ngày, giờ Việt Nam), Tổng thống Obama có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ bày tỏ thiện chí sẵn sàng đối thoại với Chính phủ mới của Iran nếu quốc gia Hồi giáo này có sự nhượng bộ về hạt nhân. Tổng thống Rowhani cũng sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ vào tối 24-9 (sáng 25-9, giờ Việt Nam).

Trong lúc đó, Anh kêu gọi Iran phải có những “bước đi cụ thể” để ủng hộ lời kêu gọi nối lại đàm phán của Tổng thống Rowhani. Anh vốn ngừng quan hệ với Iran sau khi Đại sứ quán nước này tại thủ đô Tehran bị lục soát vào năm 2011. Song, Ngoại trưởng Anh William Hague nhấn mạnh: London không muốn có quan hệ đối đầu với Tehran mà muốn mở ra quan hệ tốt hơn.

Theo các nhà quan sát, sự thay đổi quan điểm của tân Tổng thống Rowhani xuất phát từ việc người dân Iran chán ngán, thất vọng khi bị trừng phạt kinh tế. Nhưng vẫn chưa thể khẳng định Iran có sẵn sàng cải thiện quan hệ để dỡ bỏ cấm vận hay không. Trong đó, việc Tehran sẽ phải làm là hạn chế làm giàu uranium và đóng cửa cơ sở hạt nhân ngầm Fordo.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.