.

Thông điệp về Syria từ Nhà Trắng

.

Bài phát biểu từ Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10-9 (sáng 11-9, giờ Việt Nam) được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới, nhất là khi ông cam kết một kế hoạch ngoại giao với Syria để “đổi vũ khí lấy hòa bình”, theo đề xuất của Nga.

Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra ở nhiều nước nhằm phản đối sự can thiệp quân sự vào Syria.  Trong ảnh: Biểu tình ở Beirut (Lebanon) ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: AFP
Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra ở nhiều nước nhằm phản đối sự can thiệp quân sự vào Syria. Trong ảnh: Biểu tình ở Beirut (Lebanon) ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: AFP

Trong lúc Quốc hội và người dân Mỹ có những phản ứng trái chiều, thậm chí không ủng hộ chiến dịch tấn công Syria do Tổng thống Obama đưa ra, bài phát biểu dài 16 phút của ông chủ Nhà Trắng được cho là thông điệp về hành động của cường quốc này đối với Damascus. Tấn công Syria hay không thì người Mỹ cũng cần biết quan điểm rõ ràng của Tổng thống, khi mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng và chỉ còn chờ một hiệu lệnh.

Ông Obama có bài phát biểu trên truyền hình Mỹ ngay sau khi Nga kêu gọi Syria giao nộp vũ khí hóa học để kho vũ khí này nằm dưới sự kiểm soát của quốc tế. Đề xuất của Mátxcơva bất ngờ được Damascus đồng ý. Động thái này được xem là tháo ngòi nổ khủng hoảng, nhất là khi ông Obama đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan do không thể có được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an LHQ và cũng khó có được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.

Hãng AP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, không ngạc nhiên khi mở đầu bài diễn văn tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ cho biết đã tạm ngưng kêu gọi hành động quân sự vì “chúng ta không thể giải quyết nội chiến của nước khác bằng vũ lực”, đồng thời cam kết “ưu tiên các giải pháp hòa bình”.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama lại nói rằng, ông đã ra lệnh cho quân đội Mỹ luôn ở tư thế sẵn sàng hành động để gây áp lực lên Damascus nếu việc ngoại giao thất bại. Bởi lẽ, theo ông, còn quá sớm để nói kế hoạch của Nga có thành công hay không, vì Mátxcơva là một trong những đồng minh mạnh nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. “Nếu chúng ta thất bại, Chính phủ Assad sẽ không có lý do để ngừng sử dụng vũ khí hóa học”, Tổng thống Obama nói. Song, ông thừa nhận sáng kiến của Nga có thể giúp xóa bỏ các đe dọa về vũ khí hóa học mà không cần phải sử dụng đến vũ lực. “Bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần bảo đảm rằng Chính phủ Assad phải giữ đúng cam kết”, ông Obama nhấn mạnh.

Các nhà phân tích nhận định: Lo ngại của Tổng thống Obama cũng như các quan chức Mỹ không hẳn không có cơ sở vì Nga có thể dùng giải pháp này như một chiến thuật trì hoãn. Còn với Syria, việc đồng ý “đổi vũ khí lấy hòa bình” chẳng khác nào thừa nhận Damascus có vũ khí hóa học.

Theo AP, hiện vẫn chưa rõ thời hạn cuối cùng để thực hiện chính sách ngoại giao “đổi vũ khí lấy hòa bình”, chỉ biết rằng Mỹ sẽ phối hợp với Nga và Trung Quốc để thúc đẩy nghị quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu ông Assad phải từ bỏ vũ khí hóa học. Ngày 11-9, các cuộc đàm phán của LHQ với các nước liên quan về sáng kiến của Nga cũng được bắt đầu.

Nhiều lần Tổng thống Obama cáo buộc Chính phủ Assad đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ngày 21-8 vừa qua, làm hơn 1.400 người chết, trong đó có trẻ em. Và đó cũng là lý do để Mỹ cần thúc đẩy cuộc chiến chống Assad, vốn được ông Obama lý giải rằng, “phải hành động vì khi việc sử dụng vũ khí hóa học vẫn chưa bị trừng phạt thì an ninh quốc gia của Mỹ vẫn còn bị đe dọa”. Tính đến nay đã có hơn 100.000 người chết kể từ khi cuộc nổi dậy chống Tổng thống Assad diễn ra vào năm 2011.

Đáng lưu ý là những gì Tổng thống Obama lý giải về nguyên nhân Mỹ cần can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria lại không hoàn toàn thuyết phục được người dân trong nước. Khảo sát của CNN cho thấy, hơn 1/2 số người được hỏi nói rằng, bài phát biểu dù hùng hồn, mạnh mẽ nhưng vẫn không làm thay đổi được cái nhìn của họ về tài lãnh đạo của Tổng thống trong các vấn đề quân sự và quốc tế.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.