.

Thủ tướng Hun Sen nhận nhiệm kỳ mới

.

Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni công bố sắc lệnh tái bổ nhiệm ông Hun Sen làm Thủ tướng của nước này. Theo đó, vị Thủ tướng đã nắm quyền 28 năm sẽ trình Quốc hội các chính sách của Chính phủ mới trong hôm nay (24-9).

Quốc vương Norodom Sihamoni cùng các thành viên Quốc hội mới của Campuchia trong ngày nhóm họp đầu tiên. Ảnh: AP
Quốc vương Norodom Sihamoni cùng các thành viên Quốc hội mới của Campuchia trong ngày nhóm họp đầu tiên. Ảnh: AP

Ngày 23-9, phe đối lập tẩy chay phiên họp đầu tiên của Quốc hội do tranh cãi gay gắt xung quanh kết quả bầu cử hồi tháng 7 vừa qua. Sau 2 tháng, Đảng Giải cứu dân tộc Campuchia (CNRP) vẫn kiên quyết không thừa nhận thất bại với 55 ghế, trong khi đảng cầm quyền có 68 ghế. Hãng AP cho rằng, động thái này càng làm gia tăng khủng hoảng chính trị khi 55 ghế nghị sĩ của CNRP bị bỏ trống.

Phiên họp diễn ra chỉ với sự tham dự của 68 nghị sĩ thuộc Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) - đảng giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. An ninh được thắt chặt xung quanh tòa nhà Quốc hội và khắp thủ đô Phnom Penh. Nhiều tuyến đường bị phong tỏa sau khi diễn ra các cuộc biểu tình của phe đối lập vào tuần trước làm một người chết.

Hãng Reuters cho biết, Quốc vương Sihamoni đã yêu cầu Thủ tướng Hun Sen thành lập nội các. Và một Chính phủ mới dự kiến được Quốc hội phê chuẩn trong cuộc họp hôm nay (24-9). Trong thư gửi lên Quốc vương, ông Hun Sen đã bày tỏ sự cảm ơn và cam kết “phục vụ đất nước cũng như nhân dân vì sự thịnh vượng, phát triển”.

Trong khi đó, CNRP của ông Sam Rainsy vẫn cáo buộc có sự gian lận trong bầu cử, cụ thể là gian lận phiếu bầu; đồng thời cam kết tẩy chay Quốc hội cho đến khi Chính phủ đồng ý tiến hành điều tra độc lập về kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 28-7 vừa qua. Nghị sĩ Yim Sovann thuộc CNRP cho rằng, Quốc hội nhóm họp là vi phạm Hiến pháp. Theo đảng đối lập và một số nhà phân tích chính trị, phải có sự tham gia của 120/123 nghị sĩ thì Quốc hội mới có thể khai mạc cuộc họp. Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen nói rằng, theo quy định, có thể nhóm họp Quốc hội và hình thành Chính phủ mới nếu được sự ủng hộ của 63/123 nghị sĩ.

Tuần qua, ông Hun Sen đồng ý tìm một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp với CNRP. Tuy nhiên, yêu cầu của phe đối lập về việc mở cuộc điều tra độc lập bị Chính phủ bác bỏ. Nhà lãnh đạo 61 tuổi Hun Sen cam kết sẽ nắm quyền cho đến khi 74 tuổi. Còn Quốc vương Sihamoni thúc giục CNRP tiếp nhận ghế nghị sĩ, hàn gắn bất đồng, bởi theo Hiến pháp, Quốc hội phải được triệu tập trong vòng 60 ngày kể từ ngày bầu cử. Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội với gần 1/2 số ghế trống, Quốc vương Sihamoni kêu gọi người dân và đất nước Campuchia đoàn kết.

Các nhà quan sát cho rằng, câu hỏi đặt ra là Thủ tướng Hun Sen sẽ nhượng bộ CNRP như thế nào để xoa dịu khủng hoảng, và đảng đối lập sẽ tận dụng sức mạnh mới của mình ra sao nếu được tăng 26 ghế trong cơ quan lập pháp. Reuters dẫn lời nhà phân tích Chea Vannath nhận định: CNRP có quyền yêu cầu điều tra độc lập và cuộc điều tra có thể được thực hiện vào một lúc nào đó trong tương lai. Song hiện tại, theo bà Vannath, Quốc vương đã tuyên bố sắc lệnh và mọi việc không thể quay trở lại.

Nhân dịp ông Samdech Techo Hun Sen được Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, ngày 23-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi Điện mừng đến ông Hun Sen.

Trong Điện mừng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng nhân dân Campuchia anh em sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng thành công một nước Campuchia hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục được củng cố, phát triển, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.    

TTXVN

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.