.

Bước lùi của Iran

.

Đề xuất của Iran về việc cho phép các cuộc thanh sát tại những cơ sở hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này được cho là sự nhượng bộ đáng kể, theo chủ trương ôn hòa của tân Tổng thống Hassan Rowhani.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) và Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton tại cuộc đàm phán.                  Ảnh: AP
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) và Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton tại cuộc đàm phán. Ảnh: AP

Đàm phán giữa Iran với phương Tây tại Geneva (Thụy Sĩ) bước vào ngày thứ 2 (16-10) nhằm kết thúc khủng hoảng chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Tehran.

Đề xuất được Iran đặt lên bàn nghị sự bao hàm việc cho phép các cuộc thanh sát đột xuất các cơ sở hạt nhân của Tehran để chứng minh nước này làm giàu uranium vì mục đích dân sự hay chế tạo bom. Iran cho rằng, đề xuất này có khả năng tạo sự đột phá. Tuy nhiên, thông tin thêm về đề xuất vẫn chưa được tiết lộ.

Hãng Reuters cho rằng, tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi về đề xuất trên là sự xác nhận cụ thể đầu tiên của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo, qua đó cho thấy sự nhượng bộ để đổi lấy việc tháo dỡ các biện pháp cấm vận mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt. Ông Araqchi còn nói rằng, Iran không muốn “đi trong bóng tối” với sự cô lập của quốc tế nữa.

Trong những năm gần đây, kinh tế Iran chịu thiệt hại đáng kể, nhất là ngành công nghiệp dầu mỏ. Các nhà đàm phán quốc tế muốn Tehran có các bước đi cụ thể để ngăn chặn việc chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, phương Tây cam kết hủy bỏ cấm vận. Tuy nhiên, chính phương Tây lại hàm ý rằng, việc đạt được một thỏa thuận trong 2 ngày đàm phán là điều khó khăn.

Các nhà quan sát cho rằng, “quả bóng” để đàm phán thành công nằm trong chân Iran. Nhưng cũng có ý kiến rằng, sự nhượng bộ của Iran chưa đủ bảo đảm giải quyết bế tắc. Bởi lẽ, động thái của Iran, nói đúng hơn là sự ôn hòa của ông Rowhani- dường như chỉ mang tính biểu tượng. Bất kỳ sự nhượng bộ nào, dù lớn hay nhỏ, của Tehran cũng có thể bị Quốc hội Mỹ ngăn cản nếu các bước đi của chính phủ Tehran không làm các nhà lập pháp cường quốc này hài lòng. Các nghị sĩ, trong đó có ông Robert Menendez - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện- hàm ý rằng muốn Tehran ngừng cả chương trình làm giàu uranium ở cấp độ thấp, vốn được sử dụng để phát điện. Vì vậy, tuy có những dấu hiệu lạc quan tại đàm phán lần này nhưng vẫn còn quá sớm để nói về sự đột phá.

Dù sao, theo AFP, nhóm P5+1 (5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, bao gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đều hoan nghênh sự thay đổi “giọng điệu” của chính phủ tân Tổng thống Iran và các nhà đàm phán cấp cao nhận lãnh sứ mệnh của ông Rowhani đến Geneva.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, đề xuất mà ông mang đến cuộc gặp với nhóm P5+1 đề cập 3 bước có thể giải quyết tình trạng bế tắc hạt nhân trong vòng một năm, trong đó bước đầu tiên có thể đạt được trong vòng một hoặc hai tháng, thậm chí là sớm hơn.

Song, một quan chức cấp cao Mỹ tại Geneva cho hay, bất kỳ động thái dỡ bỏ biện pháp cấm vận cũng sẽ tỷ lệ thuận với những gì Iran cam kết, với hành động có sự kiểm chứng cần thiết. Washington và châu Âu vẫn đang chờ các động thái khác từ Iran, để họ tin vào "thiện chí thật sự" của vị Tổng thống đương nhiệm Rowhani.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.