Các quan chức tình báo hàng đầu ở Washington cho rằng, chính châu Âu đã tiếp tay cho chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Người Đức biểu tình tại Berlin ủng hộ việc Edward Snowden tiết lộ chương trình do thám của Mỹ. Ảnh: AFP |
Cuộc điều trần tại Ủy ban Tình báo Hạ viện ngày 29-10 (sáng 30-10, giờ Việt Nam) trở thành diễn đàn để các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ ra sức bảo vệ chương trình do thám gây chấn động. Từ người đứng đầu NSA Keith Alexander đến Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein đều bày tỏ sự ủng hộ chương trình do thám mà NSA đã thực hiện ở hàng loạt nước, trong đó có việc nghe lén các cuộc gọi của 35 nguyên thủ.
Mặc cho các đồng minh châu Âu của Mỹ phản ứng tức giận trước thông tin hàng chục triệu người ở lục địa già cỗi là nạn nhân bị Washington nghe lén hoặc xâm nhập email, giám đốc NSA vẫn một mực bác bỏ các cáo buộc này. Lý do mà ông Keith Alexander đưa ra là chính các nước châu Âu đã “tiếp tay” bằng việc thu thập các cuộc gọi và chia sẻ thông tin với giới tình báo Mỹ. “Khẳng định của báo giới ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý rằng NSA đã thu thập hàng chục triệu cuộc gọi là “hoàn toàn sai”, ông Keith Alexander nói.
Cũng theo nhà lãnh đạo NSA, từ thông tin do “người thổi còi” Edward Snowden tiết lộ, các nhà báo đã hiểu sai về những gì bị cho là hoạt động gián điệp thời hậu 11-9-2001. “Điều quan trọng là phải hành động để bảo vệ nước Mỹ, chứ không phải từ bỏ một chương trình dẫn tới việc nước Mỹ bị tấn công”, ông Keith Alexander nhấn mạnh.
AP dẫn lời Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper rằng, chương trình theo dõi bí mật đối với hàng triệu cuộc điện thoại và email của người Mỹ là hành động thiết yếu để bảo vệ đất nước trước những kẻ khủng bố. Theo ông Clapper, các đồng minh của Mỹ cũng do thám nước này và “nguyên lý cơ bản” là phải thu thập những thông tin mật về các nhà lãnh đạo nước ngoài, dù bằng cách theo dõi các phương tiện thông tin hay thông qua các nguồn khác, để xem “những gì họ nói có phù hợp với thực tế đang diễn ra hay không”.
Với 50 năm làm việc trong ngành tình báo, ông Clapper cho hay, tình báo Mỹ chỉ giám sát đối tượng có giá trị về thông tin tình báo, chứ không do thám bừa bãi và cũng không có sự phân biệt.
Cùng quan điểm với 2 quan chức trên, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein bác bỏ cáo buộc của báo chí châu Âu. Bà Feinstein nói rằng, Mỹ không thu thập các cuộc gọi của Pháp và Đức mà chính Pháp và Đức làm điều này.
Chương trình do thám bí mật của NSA đang tạo ra làn sóng bất bình ở nước Mỹ và thế giới sau khi Edward Snowden chạy trốn ra nước ngoài và tiết lộ nhiều bí mật của Washington. Tuy nhiên, với những gì diễn ra tại cuộc điều trần, người ta thấy rằng, các quan chức tình báo của Mỹ không gặp khó gì trong việc lý giải về chương trình của NSA. Vì vậy, theo phóng viên Jonny Dymond của BBC tại Washington, không nên hy vọng chính phủ Mỹ hoặc cộng đồng tình báo nước này sẽ xin lỗi hay tỏ ra lúng túng, mặc dù giới tình báo Washington đã vươn tay quá dài và quá mức cần thiết đến các đồng minh: Brazil, Pháp, Đức, Mexico và Tây Ban Nha.
Mỹ không một mình thu thập dữ liệu ở châu Âu. Các quan chức Mỹ nói như vậy nhưng chưa có cơ sở nào để chứng minh điều này.
Trong lúc đó, theo AP, ngày 30-10, một phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) gặp gỡ các quan chức Nhà Trắng để nói về những tiết lộ gây chấn động của Snowden. Cụ thể, phái đoàn này gặp ông Karen Donfried - Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Âu của NSA - và thảo luận về tác động của chương trình do thám đối với công dân EU.
Các nhà phân tích quan tâm đến phản ứng của Đức, bởi nạn nhân là nữ Thủ tướng Angela Merkel. Báo chí Đức cho biết, các cuộc gọi của bà Merkel bị giám sát trong hơn 10 năm, nhưng chương trình do thám của NSA chỉ dừng lại cách đây một vài tháng.
Ngày 30-10, Nga bác bỏ thông tin cho rằng cơ quan tình báo nước này đã giám sát hàng trăm phái đoàn nước ngoài tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở St Petersburg hồi tháng 9 vừa qua. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, ông không biết các cáo buộc này bắt nguồn từ đâu. |
THIÊN BÌNH