Lình xình về chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đối với hàng loạt quốc gia như những cơn “dư chấn” mang tên Edward Snowden, nhất là khi Pháp và Đức - hai đồng minh lâu năm của Mỹ phản ứng tức giận.
Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn lời giải thích từ Mỹ về việc giám sát các cuộc gọi của bà. Trong ảnh: Bà Angela Merkel gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Berlin, tháng 6-2013. Ảnh: AFP |
Ngày 21-10, Pháp và Mexico tức giận vì chương trình do thám của Mỹ. NSA đã nghe lén 70,3 triệu cuộc điện thoại của người dân Pháp chỉ trong 30 ngày - những con số khiến Điện Elysée “sốc”. Email của cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon thì bị xâm nhập. Đến ngày 23-10, nước phản đối chương trình này là Đức, mà “nạn nhân” bị nghe lén lại là Thủ tướng Angela Merkel. Chưa biết tiếp theo nước nào sẽ phàn nàn về việc NSA nghe lén điện thoại hay xâm nhập email.
Những tiết lộ nhỏ giọt từ “người thổi còi” Edward Snowden - “kẻ tội đồ” của Mỹ đang tị nạn tại Nga tạo ra những cơn sóng lớn dội lên Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng được châu Âu chào đón như một “người hùng” thì nay với nhiều người dân ở lục địa này, ông chẳng khác biệt gì so với người tiền nhiệm G.W.Bush - người đã phát động hai cuộc chiến với danh nghĩa chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq. Những chỉ trích từ Thủ tướng Đức Angela Merkel về chương trình do thám của NSA giờ đây làm quan hệ ngoại giao giữa Washington và Berlin ít nhiều chênh chao.
Bà Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama để đề nghị làm rõ ngay thông tin các cuộc gọi được thực hiện từ máy điện thoại di động của bà, cùng với 361 triệu cuộc gọi khác tại Đức bị giám sát trong tháng 1-2013. Người phát ngôn của Thủ tướng Merkel cho biết, nữ lãnh đạo này nói với ông chủ Nhà Trắng rằng, hành động do thám làm tổn hại đến niềm tin giữa các đồng minh thân thiết. Song, theo Reuters, Nhà Trắng bác bỏ cáo buộc của Thủ tướng Đức.
Ngày 24-10, Bộ Ngoại giao Đức triệu đại sứ Mỹ John B. Emerson để bày tỏ phản đối về việc nghe lén điện thoại. Người phát ngôn Nhà Trắng Jan Carney khẳng định: Mỹ hiện không giám sát và sẽ không giám sát liên lạc của Thủ tướng Merkel. Tuy nhiên, AP cho rằng, Nhà Trắng không hề nói họ chưa bao giờ hành động như thế.
Trong lúc đó, trên bàn nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) ngày 24-10, Tổng thống Pháp Francois Hollande đề cập vấn đề do thám bất hợp pháp của Mỹ. Pháp và Đức - hai “ông lớn” có ảnh hưởng nhất đối với các chính sách của châu Âu - cùng chỉ trích Mỹ, đồng thời tìm sự cảm thông từ 28 thành viên EU. Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel hy vọng nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo khác để gây áp lực đòi Mỹ phải có lời giải thích.
Không những thế, chỉ trong tháng 1-2013, NSA đã do thám 124,8 tỷ cuộc gọi. Hầu hết các cuộc gọi có nguồn gốc ở Trung Đông và 3 tỷ cuộc gọi ở Mỹ. Trang web Cryptome đăng tải các tài liệu của chính phủ Mỹ cho biết, trong các cuộc điện thoại mà NSA nghe lén có 21,98 tỷ cuộc gọi ở Afghanistan, 12,76 tỷ cuộc gọi ở Pakistan. Tại khu vực Trung Đông, có 7,8 tỷ cuộc gọi ở Iraq và cũng 7,8 tỷ cuộc gọi ở Saudi Arabia, trong khi đó tại Ai Cập là 1,9 tỷ, Iran: 1,7 tỷ, Jordan: 1,6 tỷ.
Chính phủ của Tổng thống Obama từng hứa với các nhà lãnh đạo thế giới rằng sẽ nỗ lực cân bằng an ninh và sự riêng tư. Nhưng Washington lại nói rằng, việc do thám là cần thiết nhằm đối phó với mạng lưới khủng bố quốc tế.
Các nhà phân tích cho rằng, các tài liệu mật do Edward Snowden tiết lộ khiến Washington bị hàng loạt nước châu Âu chỉ trích vì “kiểu chơi không thể chấp nhận được”. Các nước châu Âu đang chờ Mỹ một lời giải thích.
THIÊN BÌNH