Thỏa thuận hợp tác biên giới Trung Quốc - Ấn Độ được ký kết vào ngày 23-10 nhằm xây dựng niềm tin, tránh xung đột dọc biên giới Himalaya.
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng biên giới. Ảnh: AFP |
Reuters cho rằng, thỏa thuận được ký tại thủ đô Bắc Kinh sau cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có ý nghĩa quan trọng, tháo gỡ thế bế tắc trong nhiều thập niên ở khu vực biên giới chung dài 4.000km.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh thỏa thuận sẽ giúp duy trì hòa bình, sự yên bình và ổn định ở biên giới. Ông nói rằng, cuộc hội đàm sẽ tiếp thêm động lực và sức sống mới cho quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ. Nhà lãnh đạo chính phủ Bắc Kinh bày tỏ hy vọng tranh chấp biên giới không làm ảnh hưởng quan hệ chung giữa hai nước, đồng thời đề nghị đặc phái viên của mỗi bên về vấn đề biên giới duy trì liên lạc, trao đổi giải pháp hợp lý và công bằng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hơn 90.000 km2 ở phía đông Himalaya - bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Trong khi đó, New Delhi cáo buộc Bắc Kinh chiếm 38.000 km2 lãnh thổ của họ trên cao nguyên Aksai Chin ở phía tây. Hai nước trải qua cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi vào năm 1962. Từ đó, quan hệ song phương bị phủ bóng bởi sự ngờ vực. Quân đội Trung Quốc bị cho là đã thực hiện hàng loạt cuộc tuần tra ở vùng biên giới tranh chấp hồi đầu năm nay. AP cho biết, hàng loạt vòng đàm phán nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp đã diễn ra nhưng thất bại.
Theo AP, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Với sự tăng trưởng kinh tế cùng số dân tổng cộng của hai nước là 2,5 tỷ người, Trung Quốc và Ấn Độ đặt mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 100 tỷ USD vào năm 2015, tăng từ 61,5 tỷ USD của năm ngoái. |
Theo một quan chức Ấn Độ, thỏa thuận hợp tác quốc phòng vùng biên giới lần này được thiết lập dựa trên các biện pháp xây dựng lòng tin và được thiết kế để bảo đảm các hoạt động tuần tra dọc theo đường Kiểm soát thực tế không leo thang thành xung đột ngoài ý muốn. Thủ tướng Manmohan Singh cũng nói rằng, thỏa thuận sẽ hỗ trợ thêm các văn kiện khác, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở biên giới. Theo đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thông báo về các cuộc tuần tra dọc biên giới nhằm giảm nguy cơ đối đầu và kiềm chế tối đa nếu hai bên giáp mặt tại những khu vực có đường biên giới chưa phân định rõ ràng.
Tháng 5 vừa qua, quân đội hai nước kết thúc căng thẳng kéo dài 3 tuần ở phía tây Himalaya sau khi các binh sĩ Trung Quốc dựng trại phạm vi 10km bên trong lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Vụ việc khiến người dân của quốc gia Nam Á tức giận, yêu cầu chính phủ New Delhi có giải pháp đáp trả nước láng giềng này. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ việc binh sĩ của mình tràn qua lãnh thổ Ấn Độ.
Ashwin Kaja, một luật sư có sáng kiến thiết lập Viện Trung Quốc - Ấn Độ tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh và Đại học Jindal ở Sonipat (Ấn Độ), cho rằng thỏa thuận ngày 23-10 và các tuyên bố được đưa ra đều là những dấu hiệu tích cực hơn về quan hệ Trung - Ấn.
Ngoài ra, theo AP, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đối mặt với những căng thẳng khác. Là đồng minh lâu năm và là nhà cung cấp vũ khí cho Pakistan - đối thủ của Ấn Độ, Trung Quốc đang xây dựng quan hệ mạnh mẽ với Nepal, Bangladesh và Sri Lanka, trong khi New Delhi lo ngại về điều này. Còn Bắc Kinh cũng quan tâm đến quan hệ đang gia tăng giữa Ấn Độ với Mỹ.
BÌNH YÊN