.

Mỹ: Cận kề giới hạn nguy hiểm

.

Trong bối cảnh chính phủ đã đình trệ hoạt động trong hai tuần qua và chỉ còn hai ngày nữa nước Mỹ sẽ đến hạn chót nâng trần nợ công 16.700 tỷ USD vào ngày 17-10 tới, những căng thẳng trên chính trường Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu được tháo ngòi. Điều này đang đẩy nước Mỹ tới gần hơn nguy cơ lần đầu tiên vỡ nợ trong lịch sử gần hơn bao giờ hết.

Khoản nợ liên bang của Mỹ
Khoản nợ liên bang của Mỹ

Trong cuộc họp ngày hôm qua (14-10), lãnh đạo Đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện Harry Reid và thủ lĩnh Đảng Cộng hòa chiếm thiểu số Mitch McConnell cho biết, hai bên đã đạt được một số tiến triển “thực chất” nhưng vẫn chưa đi tới thống nhất chung. Như vậy, hai đảng trong Quốc hội lưỡng viện tại Mỹ đến nay vẫn chưa thể từ bỏ lập trường cứng rắn của mình và những tranh cãi vẫn còn đào sâu thêm chia rẽ và bế tắc.

Ngày 12-10 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã bác bỏ đề xuất của Đảng Cộng hòa cho phép kéo dài thời hạn vay nợ của chính phủ thêm 6 tuần. Phe Cộng hòa tại Thượng viện cũng bác bỏ kế hoạch nâng trần nợ công đến năm 2014 của Đảng Dân chủ.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ tuyên bố bất cứ thỏa thuận ngân sách nào trong tương lai cũng đều phải bao gồm phương án tháo gỡ cắt giảm chi tiêu, điều mà phe Cộng hòa luôn bác bỏ.

Tuy nhiên, trong phát biểu ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ Obama hy vọng, lãnh đạo hai đảng sẽ gạt được bất đồng để cứu nước Mỹ: “Chúng ta đã thấy những tác hại đối với nền kinh tế khi chính phủ ngừng hoạt động. Thiệt hại đó sẽ lớn hơn rất nhiều nếu chính phủ không thể thanh toán được những hóa đơn Vì vậy, chúng ta cần phải quyết định ngay trong tuần này. Tôi hy vọng rằng tinh thần hợp tác giữa lãnh đạo hai đảng sẽ đưa chúng ta tiến lên phía trước để giải”.

Bế tắc trên chính trường Mỹ khiến dư luận hết sức lo ngại. Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với một cuộc "đại suy thoái" nếu Mỹ thất bại trong việc nâng trần nợ công.

“Nếu có một sự thiếu tin tưởng, đổ vỡ, thiếu chắc chắn vào trái phiếu Chính phủ Mỹ, điều đó có nghĩa là có một sự gián đoạn trên toàn thế giới và nếu nước Mỹ không nâng được trần nợ công, chúng ta một lần nữa có nguy cơ rơi vào suy thoái”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cũng cảnh báo rằng nước Mỹ “chỉ còn cách một tình huống cực kỳ nguy hiểm vài ngày”. “Và nếu điều này xảy ra, thì nó sẽ là một thảm họa đối với các nước đang phát triển và sau đó cũng sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các nước phát triển”

Cùng với sức ép từ bên ngoài, Chính phủ Mỹ nói chung và đảng Cộng hòa nói riêng còn phải đối mặt áp lực ngày càng tăng từ cử tri trong nước phản đối việc hai đảng bất đồng dẫn đến bế tắc trong đàm phán về ngân sách và trần nợ. Tỷ lệ tín nhiệm của người dân nước này đối với chính quyền của Tổng thống Obama đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 40 năm qua với chỉ 18% người dân Mỹ tuyên bố hài lòng. Trong khi đó, có tới 60% những người Mỹ được hỏi cho biết nếu được phép họ sẽ thay thế toàn bộ lưỡng viện Quốc hội khóa 113 hiện nay. Tỷ lệ phản đối đảng Cộng hòa đang ở mức cao nhất kể từ năm 1989 khi có tới 70% người được hỏi ý kiến nói rằng đảng Cộng hòa đang đặt lợi ích cục bộ của họ lên trên cả lợi ích quốc gia.

Dù một số nhà phân tích tin rằng, khả năng Mỹ bị vỡ nợ khó xảy ra, bởi vì cả Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đều không muốn nền kinh tế lớn nhất thế giới bị rơi vào thảm họa với những hệ lụy kinh hoàng. Nhưng hiện tại, diễn biến cuộc "so găng" giữa hai đảng trong Quốc hội Mỹ vẫn rất căng thẳng và cả hai vẫn tỏ ra không nhượng bộ trên bàn đàm phán. Điều đó đang đẩy nước Mỹ tiến gần hơn tới “thời khắc nguy hiểm”./.

VOV

;
.
.
.
.
.