.

Mỹ cứu vãn quan hệ với Pháp

.

Trong lúc quan hệ giữa Mỹ và Pháp đang có chiều hướng rạn nứt vì vụ nghe lén điện thoại, Ngoại trưởng John Kerry vẫn nói rằng, Washington sẽ tiếp tục “tham vấn song phương” về vấn đề này. Ông mô tả Pháp là một trong những đồng minh lâu năm nhất của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ người đồng cấp Laurent Fabius và biện minh cho chương trình do thám. 					                                   Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ người đồng cấp Laurent Fabius và biện minh cho chương trình do thám. Ảnh: AFP

Ngày 22-10, Điện Elysée chính thức yêu cầu Mỹ ngừng hành động nghe lén điện thoại của công dân Pháp, trong lúc Washington tìm cách xoa dịu người đồng minh châu Âu. Việc AFP, nhật báo Le Monde của Pháp và tuần báo Der Spiegel của Đức dẫn tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp về chương trình do thám của Mỹ đang làm giới chức Paris đau đầu vì mối quan hệ thân thiết với cường quốc hàng đầu thế giới và cũng là đồng minh có nguy cơ xuống dốc.  

Việc 70,3 triệu cuộc điện thoại của người dân Pháp bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén chỉ trong 30 ngày, từ ngày 10-12-2012 đến ngày 8-1-2013, làm Tổng thống Francois Hollande tức giận. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Hollande khẳng định đây là điều “không thể chấp nhận được giữa những người bạn và những đồng minh”, đồng thời yêu cầu lời giải thích.

Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, ông Hollande nói với người đồng cấp Mỹ rằng, việc nghe lén như vậy xâm phạm sự riêng tư của người dân nước ông. Tổng thống Hollande và Tổng thống Obama cũng thống nhất phối hợp để làm rõ vấn đề và quy mô chính xác của các hoạt động do thám của Mỹ. Theo đó, hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, hoạt động do thám phải được đặt trong “khuôn khổ song phương”...

Trong lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có mặt ở Paris với mục đích khác: tìm kiếm sự ủng hộ đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Song, chương trình do thám gây nhiều tranh cãi của NSA bỗng dưng trở thành nội dung chính trong chương trình nghị sự của ông. Trong một tuyên bố nhằm xoa dịu Pháp, ông Kerry cho biết, Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tham vấn song phương về vấn đề nghe lén điện thoại và Internet. Không những thế, bất chấp quan hệ giữa hai nước hiện không “xuôi chèo mát mái”, ông gọi Pháp là một trong những đồng minh lâu năm nhất của Mỹ. Lý do mà ông Kerry đưa ra, được AFP dẫn lời, là chương trình do thám nhằm bảo vệ người dân Mỹ. “Việc bảo vệ an ninh cho người dân của chúng tôi trong thế giới ngày nay là vấn đề rất phức tạp, là nhiệm vụ đầy thách thức…”, ông Kerry nhấn mạnh.

Thế nhưng thực tế, theo các nhà phân tích, Mỹ chưa có sự giải thích thỏa đáng nào để giải đáp các câu hỏi của Pháp và cả Mexico mà vẫn tìm cách bảo vệ quan điểm của mình. Nước Mỹ đang đối đấu với một thử thách mới trên mặt trận đối ngoại.

Tuy nhiên, giới chức Pháp dường như muốn giảm căng thẳng với Mỹ. Khi được Đài truyền hình France 2 hỏi Pháp có xem xét các hình thức chống lại Mỹ xung quanh vấn đề nghe lén hay không, người phát ngôn chính phủ Najat Vallaud-Belkacem giảm nhẹ khả năng này. “Tôi nghĩ rằng không cần thiết có sự leo thang”, Belkacem nói. Cũng theo người phát ngôn này, cần có sự tôn trọng quan hệ giữa các đối tác và giữa các đồng minh.

Trong lúc này, quan hệ giữa Mỹ với Mexico cũng gặp không ít sóng gió. Cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon tuyên bố việc tình báo Mỹ xâm nhập email của ông khi ông giữ cương vị Tổng thống là hành động sỉ nhục hiến pháp nước này.

AP cho biết, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cũng hoãn chuyến thăm Mỹ để phản đối việc NSA do thám các hoạt động thông tin liên lạc của bà. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel hoãn một thỏa thuận giám sát thời Chiến tranh Lạnh khi có thông tin NSA do thám thông tin ở châu Âu. “Chúng tôi hiểu được sự tức giận ở Pháp”, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói.

Tại hội nghị toàn thể lần thứ 69 của Hiệp hội Báo chí liên Mỹ (IAPA) diễn ra ở Miami từ ngày 18-10 đến 22-10, Glenn Greenwald - cựu phóng viên tờ Guardian của Anh hiện sống ở Brazil - khẳng định tất cả các nước Mỹ Latinh đều từng bị Washington theo dõi. Song, ông không cho biết thêm chi tiết, chỉ nói rằng các tài liệu mật mà cựu nhân viên CIA Edward Snowden - người đang tị nạn ở Nga - sở hữu hiện được lưu giữ ở nhiều nơi trên thế giới.

Greenwald còn cảnh báo nhiều thông tin về hoạt động gián điệp bên trong nước Mỹ sẽ được tiết lộ.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.