Bê bối về chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đang làm quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương rạn nứt.
Tổng thống Barack Obama được cho là không hay biết về chương trình nghe lén của NSA. Ảnh: Reuters |
Trong một tuyên bố ngày 28-10 (giờ Washington, tức ngày 29-10, giờ Việt Nam), Tổng thống Barack Obama khẳng định ông sẽ kiểm soát chương trình thu thập thông tin tình báo của Mỹ.
Đánh giá lại hoạt động tình báo
Hết Pháp, Mexico, đến Đức, rồi giờ đây là Tây Ban Nha trở thành nạn nhân bị NSA nghe lén hoặc thâm nhập email. AP cho biết, Tổng thống Obama không xác nhận các cáo buộc này, nhưng ông nói rằng hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ đang được đánh giá lại, một động thái được cho là nhằm xoa dịu sự tức giận của các đồng minh châu Âu. “Tôi chính thức khởi động một cuộc rà soát để bảo họ (các cơ quan tình báo) không nhất thiết phải làm những việc mà họ có thể làm”, ông Obama nói.
Ông chủ Nhà Trắng đang đứng trước nhiều sức ép, thậm chí có những ý kiến chỉ trích rằng ông cũng thực hiện các biện pháp do thám như người tiền nhiệm G.W.Bush - người đã khơi mào cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và sau đó là ở Iraq. Câu hỏi đặt ra là Tổng thống Obama có biết chương trình do thám ở nước ngoài của NSA hay không và ông được thông báo về vụ việc từ khi nào.
Xung quanh vấn đề này, ông Obama không có bình luận gì, kể cả đối với thông tin được đăng tải trên Wall Street Journal rằng, ông không biết về chương trình do thám các lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, mãi cho đến đầu năm nay. Tổng thống Obama chỉ khẳng định hoạt động của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ chỉ có một mục đích: bảo đảm cho người Mỹ được an toàn.
Tuy nhiên, ông Peter King - cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa của Hạ viện - không tin việc Tổng thống không hề biết chi tiết về chương trình do thám mở rộng của NSA.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo tại Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein cũng phản đối gay gắt việc nghe lén đồng minh và cáo buộc NSA không thông báo đầy đủ cho ủy ban của bà về việc này. Theo bà Feinstein, nhiều hoạt động do thám được thực hiện hơn một thập niên nay nhưng Ủy ban Tình báo tại Thượng viện không hề có thông tin đầy đủ.
Theo nghị sĩ Anh Claude Moraes tại Nghị viện châu Âu, điều cần thiết là bắt đầu tiến trình “hàn gắn vết thương”, cũng như Mỹ phải cam kết chấm dứt lạm dụng do thám ở châu Âu.
Xây dựng lại niềm tin
Hàn gắn vết thương với châu Âu thì điều Mỹ cần làm sau những thông tin gây “sốc” này. Nhưng điều quan trọng hơn cả, theo các nhà quan sát, là việc xây dựng lại niềm tin giữa hai bờ Đại Tây Dương. Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 29-10 có mặt tại Washington để gặp gỡ các nghị sĩ trước khi hội đàm với Nhà Trắng. EU và Mỹ sẽ bàn thảo về chương trình do thám vốn đang làm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán tiến đến một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với EU.
Chính phủ Đức đang xúc tiến việc cử đại diện tới Mỹ làm sáng tỏ thông tin về vụ NSA nghe lén điện thoại của Thủ tướng Merkel. Quốc hội Đức cũng quyết định họp bất thường vào ngày 18-11 tới để thảo luận về vụ việc này.
Thật ra, theo một số nhà phân tích, các nước châu Âu chỉ thất vọng, chứ không bất ngờ về hành động của NSA; còn chính phủ của ông Obama thì hơi bối rối. Bởi lẽ, hầu hết các nước thường tiến hành do thám những quốc gia mà họ quan tâm. Chẳng hạn, Mỹ và Israel là đồng minh thân thiết nhưng hai nước vẫn có những hoạt động thu thập thông tin lẫn nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là phạm vi và quy mô hoạt động do thám. Và sự “vươn tay” quá mức của NSA đang đẩy ông Obama và thế khó với các đối tác, với đồng minh.
Người dân Mỹ đang chờ động thái của ông chủ Nhà Trắng và cũng chờ xem các quan chức như Tổng Giám đốc NSA Keith Alexander, Phó Giám đốc NSA Chris Inglis, Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ James Cole ra điều trần trước Quốc hội vào chiều 29-10 (sáng sớm 30-10, giờ Việt Nam) sẽ nói gì.
THIÊN BÌNH