(ĐNĐT) - Hôm 25-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, thay mặt chính phủ Mỹ ký Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu (ATT), bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, trở thành nước thứ 91 tham gia ký kết Hiệp ước này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại lễ ký ATT tại New York, hôm 25-9. |
Ngoại trưởng Kerry cho biết, việc tham gia ATT là một “bước tiến quan trọng” trong nỗ lực ngăn chặn những kẻ khủng bố có được vũ khí thông thường.
Mặc dù nhận được được sự hỗ trợ từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng ATT đã vấp phải sự phản đối từ Thượng viện Mỹ, nơi ATT cần phải được thông qua, do lo ngại Hiệp ước sẽ vi phạm quyền sở hữu vũ khí của công dân Mỹ được quy định trong Hiến pháp.
Để trấn an mối quan tâm của một số nhà lập pháp Mỹ, Ngoại trưởng Kerry khẳng định: “Sẽ không bao giờ hỗ trợ một Hiệp ước mà không phù hợp với quyền lợi của Mỹ, chúng tôi cam kết đảm bảo tôn trọng các quyền của công dân Mỹ theo Hiến pháp”.
Hiệp ước ATT được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng Tư và có hiệu lực sau 90 ngày với ít nhất 50 quốc gia ký kết và phê chuẩn. ATT có mục tiêu kiểm soát hoạt động thương mại vũ khí thông thường, từ súng đến xe tăng với các quy định nghiêm ngặt. ATT cấm xuất khẩu vũ khí nếu việc buôn bán vi phạm lệnh cấm vận vũ khí hoặc các loại vũ khí có thể bị những kẻ cực đoan bạo lực, các băng nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại…
ATT cũng kêu gọi thành lập hệ thống kiểm soát quốc gia để điều chỉnh việc xuất nhập khẩu và vận chuyển vũ khí thông thường, đạn dược và các bộ phận vũ khí. Hiệp ước không quy định việc sử dụng vũ khí trong mỗi quốc gia.
Cũng trong ngày 25-9, Ý cũng đã trở thành quốc gia Liên minh châu Âu đầu tiên thực hiện phê chuẩn hiệp ước ATT. Ý là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới, trong khi Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí thông thường lớn nhất thế giới, chiếm 30% tổng giá trị toàn cầu lên đến 90 tỷ USD mỗi năm.
Lê Na (AFP, Reuters)