Một thỏa thuận về mở cửa trở lại chính phủ và tăng mức trần nợ công là lối thoát duy nhất cho Mỹ trong lúc này.
Các nhân viên liên bang biểu tình trước Tòa nhà Quốc hội Mỹ yêu cầu chính phủ hoạt động trở lại. Ảnh: Reuters |
Giờ G sắp điểm (ngày 17-10 là hạn chót để nâng trần nợ công vì chính phủ Mỹ không còn khả năng trả nợ), mọi hy vọng đều đổ dồn về Thượng viện, nhất là trong lúc có những tín hiệu khả quan về một thỏa thuận của những nhà làm luật. Theo giới quan sát, đàm phán tại Thượng viện là cơ hội tốt nhất cuối cùng giúp nước Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ trước ngày 17-10, tức là phải nâng trần nợ công 16.700 tỷ USD hiện nay để có thể thanh toán các hóa đơn đến hạn.
Lãnh đạo phe Dân chủ - Thượng nghị sĩ Harry Reid, và lãnh đạo phe Cộng hòa - Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đều bày tỏ sự lạc quan về một thỏa thuận lưỡng đảng khi hai ông gặp nhau vào ngày 15-10 (giờ Washington). “Có lẽ ngày 15-10 sẽ là ngày tươi sáng”, ông Reid nói.
Theo thỏa thuận này, chính phủ liên bang sẽ được cấp ngân sách để hoạt động đến giữa tháng 1-2014 và trần nợ công được tăng lên đến ít nhất vào ngày 15-2-2014 khi chạm trần 16.700 tỷ USD. Thỏa thuận cũng có sự điều chỉnh đối với chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tổng thống Mỹ Barack Obama (chương trình Obamacare). Đồng thời, hàng trăm ngàn nhân viên liên bang đang bị mất việc vì chính phủ đóng cửa sẽ có cơ hội nhận lương nếu khủng hoảng được tháo gỡ.
Tuy có những tín hiệu lạc quan nhưng thỏa thuận của Thượng viện vẫn có thể bị Hạ viện ách lại. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện họp kín trong ngày 15-10, nhưng chưa rõ động thái của cơ quan lập pháp này như thế nào. Theo Reuters, chiếc ghế của Chủ tịch Hạ viện John Boehner có thể bị lung lay nếu ông ủng hộ một thỏa thuận không vừa ý các thành phần thủ cựu. Hãng AP dẫn lời Hạ nghị sĩ Joe Barton của bang Texas còn tuyên bố: “Không có thỏa thuận còn tốt hơn một thỏa thuận tồi”.
Trung Quốc và Nhật Bản, chủ nợ của Mỹ với con số 2.400 tỷ USD, thúc giục Washington giải quyết khủng hoảng. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso kêu gọi các chính trị gia Mỹ “tỉnh giấc”. Ông Aso cũng hy vọng có một thỏa thuận kịp thời.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo nếu Mỹ vỡ nợ, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào cuộc đại suy thoái. Tổng thống Obama cũng khuyến cáo rằng, sự phá sản sẽ tàn phá nền kinh tế Mỹ. “Nếu chúng ta không đạt được những tiến bộ thật sự ở cả Thượng lẫn Hạ viện, và nếu Đảng Cộng hòa không sẵn sàng gạt bỏ những mối quan ngại của cả hai đảng để có hành động đúng đắn với đất nước thì chúng ta có nguy cơ lớn sẽ phá sản”, ông chủ Nhà Trắng nói. Tổng thống Obama cũng bác bỏ đề xuất của Đảng Cộng hòa cho phép kéo dài thời hạn vay nợ của chính phủ thêm 6 tuần.
Trong lúc này, tỷ lệ ủng hộ Đảng Cộng hòa thấp kỷ lục kể từ khi chính phủ đóng cửa. Thăm dò công bố ngày 14-10 của Washington Post/ABC News cho thấy, 74% người dân Mỹ bất bình với cách Đảng Cộng hòa đang xử lý bế tắc. Tỷ lệ này về phía Tổng thống Barack Obama là 53%. Theo thăm dò của Reuters/IPSOS công bố ngày 15-10, chỉ 25% số người Mỹ tin rằng nợ công bị thổi phồng.
Các nhà phân tích nhận định: Khủng hoảng ở Mỹ chỉ là diễn biến mới nhất trong hàng loạt cuộc chiến ngân sách trong những năm gần đây giữa hai đảng. Cuộc chiến này làm các nhà đầu tư và người tiêu dùng lo sợ.
PHÚC NGUYÊN