Một tiết lộ khác gây chấn động về chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA): cơ quan này gần đây nghe lén 60,5 triệu cuộc gọi ở Tây Ban Nha chỉ trong một tháng.
Người Mỹ biểu tình gần tòa nhà Quốc hội phản đối chương trình nghe lén của NSA. Ảnh: Reuters |
Chưa rõ thực hư như thế nào nhưng thông tin được đăng tải trên báo El Mundo (Tây Ban Nha) ngày 28-10 cũng dẫn các tài liệu của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden - người đang tị nạn tại Nga. Theo đó, báo này cho rằng, NSA thực hiện việc nghe lén từ ngày 10-12-2012 đến ngày 8-1-2013.
Báo El Mundo đã có thỏa thuận với Glenn Greenwald - nhà báo làm việc tại Brazil, để thu thập những dữ liệu liên quan đến Tây Ban Nha trên cơ sở thông tin mà Snowden cung cấp cho ông. El Mundo cho hay, việc giám sát điện thoại không thu lại nội dung các cuộc gọi nhưng xác định thời lượng, số điện thoại và địa chỉ của các thuê bao.
Vụ việc được cho là càng đẩy Mỹ vào thế đối đầu với châu Âu, đồng thời khiến người dân ở cường quốc này cảm thấy bất bình, nhất là khi cáo buộc NSA nghe lén hàng chục ngàn cuộc gọi ở Pháp và giám sát điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel từ năm 2002 vẫn chưa được làm sáng tỏ. Pháp, Đức đều là những “ông lớn” ở châu Âu và là “những người bạn” của Mỹ.
Ngay trong ngày 28-10, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha triệu Đại sứ Mỹ tại Madrid, ông James Kostos, để yêu cầu giải thích về vụ việc. Luật pháp Tây Ban Nha quy định việc do thám các cuộc điện thoại, tin nhắn và email mà không được sự cho phép của các cơ quan tư pháp là hành vi phạm tội.
Trong lúc xảy ra những lình xình về chương trình do thám của NSA, theo Wall Street Journal, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cho cơ quan này ngừng chương trình nghe lén các nguyên thủ quốc gia, bao gồm Thủ tướng Merkel sau một cuộc điều tra nội bộ giữa năm nay. Wall Street Journal khẳng định NSA không thông tin tất cả hoạt động nghe lén cho ông chủ Nhà Trắng và ông Obama chỉ xét duyệt các chương trình do thám “ưu tiên”. Những hoạt động theo dõi khác thường được quyết định tại NSA chứ không có sự phê duyệt của Tổng thống. Song, có thông tin cho rằng, Tổng thống Obama biết chương trình nghe lén Thủ tướng Merkel từ năm 2010.
Đức đã lên kế hoạch cử các lãnh đạo cơ quan an ninh sang Washington trong tuần này để thúc đẩy điều tra đối với các cáo buộc do thám. Phái đoàn của nghị viện châu Âu cũng sắp có những cuộc gặp tại Washington. Còn chính phủ Tây Ban Nha nói rằng, họ không biết việc công dân nước mình bị NSA nghe lén. Những bê bối này nếu là sự thật thì sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin giữa các nước châu Âu đối với Mỹ.
Tuy nhiên, ông Peter King, người đứng đầu Tiểu ban Chống khủng bố và tình báo Hạ viện Mỹ, lại cho rằng Tổng thống Obama nên “ngừng xin lỗi” vì các chương trình do thám của NSA đã cứu hàng ngàn tính mạng không chỉ ở Mỹ mà còn ở Pháp, Đức và khắp châu Âu. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers cũng khẳng định thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông thời gian qua về việc NSA theo dõi 70 triệu cuộc điện thoại của dân Pháp là 100% sai sự thật.
Hãng Kyodo cho biết, năm 2011, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đề nghị chính phủ Nhật Bản hỗ trợ giám sát thông tin cá nhân được truyền qua các tuyến cáp quang đi qua Nhật tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. NSA muốn thực hiện việc này để do thám Trung Quốc, nhưng Tokyo từ chối với lý do gặp trở ngại về luật pháp và thiếu nhân lực. |
THIÊN BÌNH