.

Mỹ thoát 16 ngày u ám

.

Sau 16 ngày đóng cửa một phần, chính phủ liên bang Mỹ chính thức hoạt động trở lại trong ngày 17-10.



Mỹ đã thoát cuộc vỡ nợ lịch sử, vượt qua cuộc đối đầu nghẹt thở tại Quốc hội khi giờ G điểm vào cuối ngày 16-10 (giờ Washington, tức sau 11 giờ ngày 17-10, giờ Việt Nam). Hạ viện Mỹ chính thức phê chuẩn dự thảo luật về nâng trần nợ công và cấp ngân sách cho chính phủ liên bang hoạt động. Toàn bộ 198 nghị sĩ Đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận, trong khi phe Cộng hòa vẫn có 144 ý kiến phản đối so với 87 phiếu thuận. Dự luật cũng đã được Tổng thống Barack Obama ký thông qua, tạm kết thúc “cuộc chiến” lưỡng đảng và 2 ngày căng thẳng ở Đồi Capitol.

Lãnh đạo phe Dân chủ - Thượng nghị sĩ Harry Reid - phát biểu với báo giới sau khi thỏa thuận được thông qua. Ảnh: AP
Lãnh đạo phe Dân chủ - Thượng nghị sĩ Harry Reid - phát biểu với báo giới sau khi thỏa thuận được thông qua. Ảnh: AP

Giành lại niềm tin

Hãng AP cho biết, thông điệp của Tổng thống Obama trong lúc này là hai đảng nên giành lại niềm tin từ người dân. Ông thúc giục cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa cùng chung tay phát triển lợi ích đất nước, thay vì chỉ chăm lo cho sự nghiệp chính trị của mỗi bên. “Chúng ta sẽ mở cửa lại chính phủ ngay và có thể bắt đầu xua tan đám mây u ám, bất ổn đang phủ lên các doanh nghiệp cũng như người dân Mỹ”, Tổng thống Obama nói.

Thỏa thuận bao gồm việc nâng trần nợ công liên bang đến ngày 7-2-2014, cấp tiền để chính phủ hoạt động trở lại đến ngày 15-1-2014 sau khi nợ công đụng trần 16.700 tỷ USD. Theo đó, gần 1 triệu nhân viên liên bang đã đi làm trở lại và được truy lĩnh tiền lương trong những ngày mất việc vừa qua. Song, nếu mức trần không được nâng lên sau ngày 16-10, Mỹ sẽ chỉ còn 30 tỷ USD trong ngân khố quốc gia, cũng là lúc chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Đã có nhiều dự đoán về khả năng Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử và cũng đã có nhiều phác họa về bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm như thế nào khi thời hạn chót để cường quốc hàng đầu thế giới chạm trần nợ công qua đi. Giới phân tích đã hình dung đến trái phiếu nhà nước của Mỹ mất giá, đồng USD cũng mất giá, thị trường tài chính chấn động, thất nghiệp tăng cao… bởi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vẫn nhất quyết không ai nhường ai. Không những thế, các nhà xuất khẩu lớn của châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng sẽ bị thiệt hại đáng kể khi nhu cầu tiêu thụ ở thị trường rộng lớn từ bên kia đại dương giảm hẳn.

Thực tế, đến bây giờ, “cuộc chiến” tại Quốc hội vẫn chưa có hồi kết. Người dân Mỹ cũng không xa lạ gì với việc chính phủ đóng cửa rồi lại được “cứu” vài giờ chót. Song, ít nhất họ có thể tạm thở phào.

Chiến thắng của Tổng thống Obama

Hãng AP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, việc Quốc hội thông qua thỏa thuận ngân sách là chiến thắng của Tổng thống Obama. Song, đây lại là sự thất bại của phe Cộng hòa bởi các thành viên của đảng này đã phải nhượng bộ chưa từng có: Không đụng chạm gì tới chương trình cải cách y tế của Tổng thống Obama (chương trình Obamacare), vốn là điểm “thắt nút” trong cuộc chiến không khoan nhượng ở Đồi Capitol.

Câu hỏi đặt ra là vì sao phe Cộng hòa lại chấp nhận nhượng bộ? Trước đó, các nghị sĩ bảo thủ của đảng này cứ cố dùng việc chính phủ đóng cửa và nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ để đòi cắt giảm chi tiêu và bác chương trình Obamacare.

Theo chương trình Obamacare, chính phủ sẽ tăng thêm tiền thu thuế đối với thiểu số những người giàu có nhất nước Mỹ (thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên) để có tiền chi trả cho 32 triệu người dân không có bảo hiểm y tế. Đảng Cộng hòa gọi chương trình Obamacare là thảm họa. Trong khi đó, chính phủ Obama đặt nhiều kỳ vọng, xem đây là cuộc cải tổ mạnh mẽ nhất đối với hệ thống chăm sóc y tế kể từ năm 1965 với tổng chi phí khoảng 600 tỷ USD.

Trong suốt 16 ngày chính phủ đóng cửa, phe Cộng hòa bỗng trở thành những “kẻ tội đồ” trong mắt cử tri Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ đảng này giảm thảm hại. Có thể đây là lý do khiến Đảng Cộng hòa nhượng bộ để tránh việc bị “mất điểm” hơn nữa trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2014.

Các nghị sĩ sẽ bắt đầu tiến trình thương lượng về ngân sách dài hạn và dự kiến hoàn tất các kiến nghị vào ngày 13-12 nên “cuộc chiến” sẽ không dừng lại. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe thiểu số Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, một lần nữa khẳng định quyết tâm ngăn chặn chương trình Obamacare. Ông McConnell nói rằng sẽ gây áp lực buộc chính phủ Obama cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách tài khóa 2014.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 17-10 hoan nghênh thỏa thuận của Quốc hội Mỹ. Bà Lagarde cho rằng, nền kinh tế Mỹ cần tài chính dài hạn ổn định hơn. Trung Quốc, Hàn Quốc đều bày tỏ sự vui mừng khi Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ. Theo các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc, việc Mỹ cạn tiền sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của Hàn Quốc bởi nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tác động đến châu Âu và sau đó tác động đến châu Á.

Tuy nhiên, 16 ngày chính phủ đóng cửa đã gây thiệt hại không nhỏ. Ước tính nền kinh tế Mỹ bị tổn thất 24 tỷ USD (tức 1,5 tỷ USD/ngày), theo công bố mới nhất của Standard and Poor’s (S&P).

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.