.

Ngoại trưởng Mỹ và Iran có cuộc gặp mang tính bước ngoặt

.

(ĐNĐT) - Hôm 26-9, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Mohammad Javad Zarif đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry trong một nỗ lực để khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ kể từ tháng Tư.

Ngoại trưởng Mỹ và Iran đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 5/2007.
Ngoại trưởng Mỹ và Iran đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 5/2007.

Cuộc gặp diễn ra bên lề hội nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Mỹ và Iran kể từ tháng 5/2007, điều này cho thấy có dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ hai nước. Cùng tham dự cuộc họp còn có các nhà ngoại giao đến từ nhóm P5+1, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức .

Các bên đã đồng ý sẽ tổ chức cuộc đàm phán thực chất về tham vọng hạt nhân của Iran tại Geneva vào ngày 15 và 16-10 tới.

Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Kerry cho biết cuộc đàm phán diễn ra với tinh thần “xây dựng”, tuy nhiên nhấn mạnh rằng, “chỉ lời nói thôi là không đủ để thuyết phục các cường quốc phương Tây rằng Tehran không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân”.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Iran nhắc lại rằng, cuộc họp đã diễn ra “rất xây dựng” và “rất thiết thực”, “chúng tôi hy vọng có thể đạt được tiến bộ trong việc giải quyết kịp thời mọi lo ngại về chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran”.

Ông Zarif cho biết kết quả cuối cùng sẽ là “dỡ bỏ toàn bộ” các biện pháp trừng phạt quốc tế áp dụng đối với Iran, vốn làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia này. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post hôm 25-9, Tổng thống Iran, Rouhani nói ông hy vọng một thỏa thuận có thể đạt được với các cường quốc phương Tây trong vòng 3-6 tháng.

Trước đó vài giờ, phát biểu tại với tư cách là lãnh đạo hiện tại của Phong trào Không liên kết tại một Hội nghị về giải trừ quân bị, Tổng thống Iran nhấn mạnh sự thất bại của những nỗ lực để hình thành một khu vực phi hạt nhân tại Trung Đông, “Israel, nước duy nhất không phải là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí trong khu vực, nên ký kết tham gia Hiệp ước mà không chậm trễ hơn nữa”.

Lê Na (Reuters, AFP)
 

;
Tin liên quan
    .
.
.
.
.
.