Nhật Bản lần đầu tiên ký vào tuyên bố kêu gọi không sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất cứ trường hợp nào. Tuyên bố này được 125 nước cùng tham gia ký kết trong cuộc họp của Ủy ban số 1 về giải trừ quân bị của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra vào sáng sớm 22-10 theo giờ Việt Nam tại New York.
Dân Nhật Bản tham dự buổi lễ tưởng niệm lần thứ 68 vụ đánh bom nguyên tử Nagasaki tại Công viên Hòa Bình (Ảnh: Asahi Shimbun) |
Tuyên bố chung nhấn mạnh tính phi nhân đạo của vũ khí hạt nhân và khẳng định việc không sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất cứ trường hợp nào cũng gắn liền với lợi ích sống còn của nhân loại. Tuyên bố chung cho rằng tất cả các nước trên thế giới có trách nhiệm chung trong việc chống phổ biến và cắt giảm vũ khí hạt nhân, đồng thời ngăn chặn việc sử dụng loại vũ khí khủng khiếp này.
Đây là lần thứ 3 tuyên bố này được đưa ra nhưng 2 lần trước Nhật Bản đều từ chối ký vào tuyên bố do lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia vốn được bảo đảm dưới “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ. Điều này khiến chính phủ Nhật Bản gặp phải phản đối dữ dội từ dư luận cả trong và ngoài nước.
Nhật Bản quyết định ký vào tuyên bố chung lần này sau khi vận động được các nước tham gia bỏ đi câu “hướng tới việc phi hợp pháp hóa vũ khí hạt nhân”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu việc ký vào tuyên bố chung lần này có mâu thuẫn với chính sách an ninh quốc gia vốn phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ hay không, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Chính phủ Nhật Bản quyết định tham gia vào tuyên bố chung sau khi xét thấy tuyên bố này phù hợp với cách tiếp cận giải trừ vũ khí hạt nhân theo từng bước thực tế và phù hợp với chính sách an ninh của Nhật Bản”.
Quyết định của chính phủ Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ từ dư luận trong và ngoài nước. Ông Sunao Tsuboi, đại diện cho Liên hiệp các đoàn thể nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản nhận xét: “Niềm mong mỏi lớn nhất của các nạn nhân bom nguyên tử là xóa sổ vũ khí hạt nhân. Cho dù muộn nhưng quyết định lần này là một bước tiến giúp nguyện vọng này thành hiện thực. Những nạn nhân bom nguyên tử chúng tôi thực sự vui mừng về điều đó”.
Theo giới phân tích, quyết định lần này của chính phủ Nhật Bản cho thấy nước này đang tìm cách dung hòa giữa chính sách an ninh phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ và sức ép từ dư luận yêu cầu Nhật Bản đóng vai trò đầu tàu trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, đặc biệt khi Nhật Bản sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc sáng kiến giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân vào tháng 4/2014 tại Hiroshima./.
VOV
VOV