AFP đưa tin, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS) ngày 14-10 công bố ba nhà khoa học người Mỹ là Lars Peter Hansen, Eugene Fama và Robert Shiller đã trở thành chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2013 nhờ nghiên cứu mang tính đột phá dự báo các xu hướng của thị trường mua bán tài sản.
Hansen và Fama là các giáo sư Đại học Chicago, trong khi Shiller là giáo sư Đại học Yale thuộc bang Connecticut.
Ba nhà khoa học chia nhau giải Nobel Kinh tế năm nay: ông Lars Peter Hansen (trên), ông Eugene F. Fama (dưới) và ông Robert J. Shiller (bên phải). |
Tuyên bố của RSAS nêu rõ ba nhà kinh tế trên được vinh danh "vì đã đặt nền móng cho những hiểu biết hiện nay về các mức giá mua bán tài sản. Điều này một mặt phụ thuộc vào sự dao động lên xuống của rủi ro và và thái độ trước rủi ro, và một mặt phụ thuộc vào các xu hướng hành vi cũng như những tương tác của thị trường".
Từ năm 1960, Eugene Fama và một vài cộng sự bắt đầu chứng minh rằng giá cổ phiếu rất khó dự đoán trong ngắn hạn và các thông tin mới thường tác động rất nhanh vào giá thị trường.
Phát hiện của họ tác động rất lớn đối với các nghiên cứu sau này, đồng thời tác động tới cả cách thức vận hành thị trường. Các nhà nghiên cứu sau đó còn phát hiện ra rằng giá tài sản dễ dự đoán hơn trong vài năm.
Nobel Kinh tế là giải Nobel duy nhất không nằm trong di nguyện của người sáng lập hệ thống giải này, khoa học gia tỷ phú người Thụy Điển Alfred Nobel.
Kể từ khi giải Nobel Kinh tế đầu tiên được trao năm 1969, các giải khác được trao từ năm 1901 và các nhà kinh tế người Mỹ luôn được xướng danh trong danh sách nhận giải này với 17 trên tổng số 20 người.
Năm ngoái, các học giả Mỹ Alvin Roth và Lloyd Shapley đoạt giải Nobel Kinh tế nhờ nghiên cứu về chức năng của thị trường và cách thức cân bằng giữa cung và cầu.
Giải Nobel Kinh tế, trị giá 1,25 triệu USD, do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra năm 1968 nhằm kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này./.
Vietnam+