Thông tin Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén 70,3 triệu cuộc điện thoại của người dân Pháp chỉ trong 30 ngày và xâm nhập email của cựu Tổng thống Mexico khiến hai nước này tức giận, đòi Washington phải giải thích.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, ông cảm thấy sốc về chương trình do thám của Mỹ. Ảnh: AFP |
Sự việc được khơi mào khi AFP, nhật báo Le Monde của Pháp và tuần báo Der Spiegel của Đức dẫn tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp cho biết, NSA nghe lén 70,3 triệu cuộc điện thoại tại Pháp từ ngày 10-12-2012 đến ngày 8-1-2013. NSA tự động dò tìm các cuộc điện thoại của những số liên lạc cụ thể ở Pháp và xem lén cả tin nhắn điện thoại trong chương trình có mật danh US-985D. Các liên lạc bên trong nước Pháp và giữa Pháp với các nước khác đều bị giám sát. Dữ liệu từ email, tin nhắn, điện thoại và Internet được thu thập, lưu giữ trong nhiều năm. Ngoài ra, NSA còn xâm nhập tài khoản email của cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon.
Tiết lộ trên của “người thổi còi” Edward Snowden lại là một ngòi nổ mạnh mẽ nhằm vào chính phủ và giới tình báo của Mỹ - cơ quan vốn bị chỉ trích nặng nề trong hàng loạt bê bối trước đó. Song, các nguồn tin không cho biết chương trình US-985D hiện được tiếp tục hay không.
Pháp và Mexico mô tả các cáo buộc trên gây sốc, nhất là con số 70,3 triệu cuộc điện thoại bị nghe lén chỉ trong 30 ngày. Trả lời phỏng vấn Đài Europe 1, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls không giấu cảm giác tức giận và “thật sự sốc”. Ông Valls nói rằng, nếu một đồng minh có động thái do thám trên đất Pháp hoặc ở các nước châu Âu khác thì điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Le Monde khẳng định các tài liệu mật cho thấy NSA không chỉ nghe lén các cá nhân bị tình nghi liên quan khủng bố mà còn hành động như thế đối với những doanh nhân, chính trị gia Pháp có tiếng tăm.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho hay, Paris ngay lập tức triệu đại sứ Mỹ để bày tỏ phản đối, dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Paris vào ngày 21-10 đế bắt đầu chuyến công du châu Âu.
Theo New York Times, đại sứ Mỹ tại Pháp, Charles Rivkin, không bình luận về thông tin ông bị triệu, nhưng nhấn mạnh quan hệ giữa Washington với Paris vẫn chặt chẽ.
Tháng 7 vừa qua, các công tố viên Paris mở cuộc điều tra sơ bộ về chương trình do thám của NSA (còn gọi là PRISM) sau khi tuần báo Der Spiegel của Đức và tờ Guardian của Anh dẫn tiết lộ của Snowden về việc Mỹ tiến hành do thám trên diện rộng. Ngoại trưởng Fabius cho hay, hồi tháng 6, giới chức Pháp được cảnh báo về PRISM và đã có những phản ứng mạnh mẽ. “Lẽ ra chúng tôi cần phản ứng hơn nữa. Chúng tôi phải bảo đảm những vụ việc như thế không lặp lại”, ông Fabius nói.
Chính phủ Mexico cũng yêu cầu Mỹ phải giải thích. Các nhà chức trách Mexico muốn có câu trả lời từ phía Washingtin “càng sớm càng tốt”. “Hành động này không thể chấp nhận, là bất hợp pháp và đi ngược lại luật pháp của Mexico cũng như luật quốc tế”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mexico nêu rõ.
Một lần nữa vụ việc lại liên quan đến Snowden, người được xem là “kẻ tội đồ” của Mỹ và hiện tị nạn ở Nga. Song, theo các nhà phân tích, ở Pháp, những người thật sự phẫn nộ là dân chúng, bởi chính phủ Pháp từng bị cáo buộc cũng tiến hành hoạt động giám sát điện thoại và Internet tương tự đối với Mỹ. Tháng 7 vừa qua, theo tờ Le Monde, Điện Elysée lưu trữ nhiều dữ liệu của người dân trên máy tính tại trụ sở của Cơ quan tình báo DGSE.
THIÊN BÌNH