.
QUAN HỆ IRAN - PHƯƠNG TÂY

Kỳ vọng "tan băng"

.

Các cường quốc và Iran sẽ nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) để bàn về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Tehran trong lúc có những kỳ vọng lẫn quan ngại...

Cuộc gặp trong hai ngày (15 và 16-10) sẽ là lần đàm phán đầu tiên giữa các cường quốc (P5+1, bao gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) với Tổng thống Iran Hassan Rowhani kể từ khi nhà lãnh đạo này nhậm chức vào tháng 8 vừa qua.

Tổng thống Iran Hassan Rowhani (giữa) và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif (phải) đều kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận với P5+1.  		                Ảnh: AFP
Tổng thống Iran Hassan Rowhani (giữa) và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif (phải) đều kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận với P5+1. Ảnh: AFP

Hãng AP đưa ra thông điệp: Không kỳ vọng có sự đột phá nào trong đàm phán lần này, mặc dù quan hệ giữa Iran với phương Tây có phần nào cải thiện hơn, nhất là khi có cuộc điện đàm giữa Tổng thống Rowhani và Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 9 vừa qua- cuộc chuyện trò đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Washington và Tehran trong hơn 3 thập niên qua.

Ông Rowhani cam kết giải quyết tranh chấp vốn kéo dài giữa Iran với phương Tây nhằm bảo đảm việc tháo dỡ các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Phương Tây và Israel nghi ngờ Iran đang chế tạo vũ khí hạt nhân, trong khi Tehran kiên quyết bác bỏ cáo buộc. Uranium được làm giàu lên đến mức độ hơn 90% được cho là dùng để tạo ra đầu đạn hạt nhân. Iran nói rằng cần uranium được làm giàu ở mức 20% cho một lò phản ứng nghiên cứu y học. Tuy nhiên, uranium được làm giàu 20% lại gây cho phương Tây và Israel nhiều quan ngại.

Hãng AFP cho biết, Iran hiện có 6.774kg uranium làm giàu ở mức 3,5% và 186kg uranium làm giàu ở mức 20%. Tehran cũng đã chuyển thành công 187kg uranium ở mức 20% sang nhiên liệu, phục vụ các lò phản ứng.

Tham gia đàm phán, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hiện vẫn không tiết lộ về kế hoạch chính phủ của Tổng thống Rowhani sẽ làm gì để đổi lấy cứu trợ từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), thay vì phải chịu các biện pháp cấm vận làm tổn hại đến nền kinh tế Tehran. Ông Zarif khẳng định sẽ đưa ra quan điểm của Iran tại Geneva. Song, ông kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận dẫn đến “lộ trình hạt nhân”, đồng thời cảnh báo lộ trình này sẽ rất phức tạp.

Còn Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố từ chối chuyển uranium ra nước ngoài theo yêu cầu của phương Tây. “Trong cuộc đàm phán, chúng tôi có thể thương lượng về hình thức, số lượng và cấp độ làm giàu uranium nhưng để chuyển chúng ra nước ngoài thì không thể vì điều này vượt qua “lằn ranh đỏ” cho phép”, ông Araqchi nói.

Việc Iran được yêu cầu giảm mức độ làm giàu uranium, thay vì ngừng hẳn chương trình này đã là thành công lớn của Tổng thống Rowhani. Theo các nhà quan sát, như thế chẳng khác nào công nhận việc làm giàu uranium của Iran mang mục đích hòa bình. Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Fitzpatrick, hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, cũng xác nhận điều này. Ông nói rằng, Iran sẽ được cho phép làm giàu uranium ở một số cấp độ. “Nhưng việc làm giàu (uranium) phải bị hạn chế”, ông Fitzpatrick nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần yêu cầu Iran ngừng ngay mọi hoạt động làm giàu uranium và ngưng xây dựng lò phản ứng ở Arak - nơi mà Tehran bị cáo buộc sản xuất vũ khí hạt nhân. AP nhận định: Đàm phán tại Geneva có thể là bệ phóng cho một thỏa thuận giữa Iran với P5+1 kể từ khi các cuộc thương thảo về chương trình hạt nhân của Tehran bắt đầu vào năm 2003. Theo đó, một thỏa thuận sẽ làm giảm mối đe dọa chiến tranh giữa Iran với Israel và giữa Iran với Mỹ. Song, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel đều lặp đi lặp lại rằng, họ sẽ không bao giờ chấp nhận một nước Iran sở hữu hạt nhân.

Vì vậy, khi đàm phán chưa được khởi động thì thật khó dự đoán khả năng “tan băng” hay không. Tuy nhiên, cả Tổng thống Rowhani lẫn Ngoại trưởng Zarif đều được sự ủng hộ của nhà lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong việc thúc đẩy tháo dỡ các biện pháp cấm vận. Ông Khamenei tuyên bố ủng hộ sự linh hoạt trong đàm phán.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.