.
Thế giới tuần qua

"Cơn bão" ngoại giao

.

Với Tổng thống Barack Obama, nhiệm kỳ thứ 2 sẽ rất đáng nhớ khi chính phủ của ông không những vấp phải sự hoài nghi của các nước châu Âu về tính hợp pháp của chương trình do thám, mà còn đối mặt với sự bất bình của công chúng Mỹ.

Người Mỹ biểu tình ở Washington, phản đối chương trình do thám của chính phủ. Ảnh: AFP
Người Mỹ biểu tình ở Washington, phản đối chương trình do thám của chính phủ. Ảnh: AFP

Tình trạng các cơ quan an ninh Mỹ lạm dụng quyền hạn để chặn thư, đọc email, nghe lén điện thoại của người dân không còn là chuyện lạ, bởi câu chuyện này được “vén màn” từ nhiều năm trước. Nhưng nhìn những con số thống kê thì người dân Pháp nói riêng và châu Âu nói chung không khỏi giật mình vì có đến 70,3 triệu cuộc điện thoại ở Pháp bị nghe lén chỉ trong 30 ngày…

Nếu sự tiết lộ về chương trình do thám tuyệt mật Prism và các hoạt động thăm dò khác của Cơ quan An ninh quốc gia (Mỹ) trước đây chỉ tạo phản ứng tức giận nhất thời, thì việc Washington nghe lén điện đàm của các lãnh đạo 35 quốc gia (trong đó có những đồng minh như Pháp, Đức, Mexico, Ý, Brazil, Tây Ban Nha…) bị phanh phui lần này đang thật sự tạo thành “cơn bão ngoại giao”. Giới phân tích lo ngại vụ việc sẽ làm tổn hại đến quan hệ giữa hai bờ đại dương.

Về phía Edward Snowden, trong mắt nhiều người dân Mỹ, anh là “người hùng”. Còn với chính phủ Mỹ, người đang tị nạn ở Nga là “kẻ tội đồ” không thể dung thứ. Ban đầu, người ta nghĩ rằng việc do thám - theo tiết lộ của Snowden - chỉ diễn ra ở phạm vi bên trong nước Mỹ, nhưng đến nay đã vượt qua không gian địa lý. NSA như người khổng lồ có đôi cánh tay dài có thể vươn tới mọi quốc gia.

Đến Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bị nghe lén các cuộc gọi. Câu hỏi đặt ra: Mỹ xem một số nước châu Âu là đồng minh thân cận, một số nước còn là bạn thân thiết, thì sao lại vừa bắt tay cam kết thúc đẩy liên minh, vừa tỏ ra nghi ngờ và bí mật theo dõi. Tạp chí Der Spiegel của Đức còn cho biết, Mỹ nghe lén các cuộc gặp của bà từ năm 2002 - tức trước khi bà trở thành Thủ tướng - chứ không phải là mới xảy ra. Vì vậy, bà Merkel cảm thấy sốc về “người bạn Mỹ” là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Và ngay cả với Pháp thì Mỹ cũng không cho ngoại lệ. Rồi Ý cũng là nạn nhân… Trong khi đó, tuần tới, Đức phái các giám đốc tình báo hàng đầu đến Washington để điều tra về những cáo buộc gián điệp và yêu cầu có câu trả lời thỏa đáng. Ngày 25-10 vừa qua, Pháp và Đức - hai “ông lớn” của châu Âu - khẳng định họ muốn Mỹ ký một hiệp ước không thực hiện gián điệp từ nay đến cuối năm.

Người dân Mỹ và những nước liên quan đang chờ lời giải thích “hợp tình hợp lý” của Tổng thống Obama, chứ không phải chỉ bao biện chung chung rằng, chương trình của NSA bảo vệ an ninh quốc gia vì nó đã giúp ngăn chặn được hàng chục kế hoạch tấn công khủng bố.

Để đối phó với Mỹ, Đức và Brazil đang soạn thảo một nghị quyết trình lên Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó đưa các hoạt động Internet vào phạm vi bảo vệ của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. “Phản pháo” của Đức và Brazil được cho là sự phản đối đối với những hoạt động do thám của Mỹ.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.