.

Thế khó của Tổng thống Obama

.

Mặc dù việc chính phủ Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ được xem là thắng lợi lớn của Tổng thống Barack Obama, nhưng giới quan sát vẫn cho rằng, từ nay nếu cần Quốc hội thông qua chính sách gì, ông chủ Nhà Trắng sẽ gặp không ít khó khăn.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner cùng các nghị sĩ đến tham dự một phiên họp của Đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol. 							  Ảnh: AP
Chủ tịch Hạ viện John Boehner cùng các nghị sĩ đến tham dự một phiên họp của Đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol. Ảnh: AP

16  ngày chính phủ tạm đóng cửa, gần 1 triệu nhân viên liên bang mất việc cùng những tác động khác là phép thử lớn đối với Tổng thống Obama trong việc quản lý cơ bản. Hạ viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn dự thảo luật về nâng trần nợ công và cấp ngân sách cho chính phủ liên bang hoạt động. Bản thân Tổng thống Obama cũng đã phê chuẩn dự thảo luật. Nhưng theo nhận định của Reuters, xét cho cùng, ông đã không thể ngăn chặn được khủng hoảng, dù người ta nói rằng “cuộc chiến lưỡng đảng” tạm lắng xuống.

Hiện người đứng đầu Nhà Trắng muốn nắm bắt cơ hội để thúc đẩy 3 dự luật ưu tiên tại Quốc hội: dự luật về nông nghiệp, cải cách nhập cư và một thỏa thuận ngân sách lâu dài hơn. Tuy nhiên, các cơ hội để ông Obama thúc đẩy những vấn đề này, nhất là cải cách nhập cư, lại phụ thuộc vào việc ông thuyết phục các nghị sĩ Cộng hòa để có được những cái gật đầu nhanh chóng. Bởi lẽ, Đảng Dân chủ của ông Obama không thể kiểm soát được Hạ viện.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho rằng, việc Tổng thống Obama từ chối thẳng thừng thỏa hiệp với phe Cộng hòa đe dọa đóng cửa chính phủ Mỹ sẽ làm các nghị sĩ của đảng này khó hợp tác với ông chủ Nhà Trắng hơn trong các ưu tiên lớn khác. “Cải cách nhập cư là một nhiệm vụ lớn nay dường như trở nên khó khăn hơn”, ông John Boehner nói.

Lý do để Tổng thống Obama kiên quyết không thỏa hiệp với phe Cộng hòa là đảng này ban đầu quay lưng với chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của ông (gọi là chương trình Obamacare). Chính điều này khơi mào cho “cuộc chiến” không khoan nhượng giữa 2 đảng chính. Thậm chí, ông Obama không chấp nhận thay đổi dù bất kỳ điều khoản nhỏ nào của Obamacare.

Thỏa thuận mà 2 viện của Quốc hội Mỹ đạt được bao gồm việc nâng trần nợ công liên bang đến ngày 7-2-2014, cấp tiền để chính phủ hoạt động trở lại đến ngày 15-1-2014 sau khi nợ công đụng trần 16.700 tỷ USD. Reuters cho rằng, thời gian ngắn ngủi như thế sẽ không có chỗ cho các ưu tiên chính sách khác của Tổng thống. Trước mắt ông là “núi nợ” và các cuộc tranh luận về mức trần nợ công chắc chắn sẽ căng thẳng vào tháng 2-2014.

Theo các nhà quan sát, dù tranh cãi, dù bất đồng ở Đồi Capitol, nhưng các nghị sĩ (và khoảng 2/3 dân chúng) đều không muốn nước Mỹ vỡ nợ. Vì vậy, các nhà lập pháp của phe Cộng hòa đã chờ sát giờ G - khi biết rõ có đủ số phiếu thuận - thì mới thông qua dự luật.

Trong lúc này, khi Đảng Cộng hòa đứng trước những chỉ trích vì để nước Mỹ đứng bên bờ vực vỡ nợ, ngoài việc đổ lỗi cho phe này, Tổng thống Obama còn cho rằng, “một nhóm nhỏ của một phe trong Hạ viện” đã kích động việc đóng cửa chính phủ (hàm ý chỉ Đảng Trà - Tea Party, chỉ chiếm 10% số ghế trong Quốc hội). Nhà nghiên cứu Darrell West tại Viện Brookings bình luận: Chính Đảng Trà là những người thua cuộc bởi họ đã hành xử một cách vô trách nhiệm. “Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ là những người thắng cuộc bởi họ đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao”, ông West nói.

Về phía phe Cộng hòa, đảng này lại đổ lỗi cho Tổng thống Obama. Thực chất, đằng sau việc nói qua nói lại này là bên nào cũng sợ “mất điểm” trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2014.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.