Đàm phán marathon giữa Tổng thống Afghanistan và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kéo dài 2 ngày đã kết thúc vào tối 12-10 (sáng 13-10, giờ Việt Nam), với một hiệp ước an ninh song phương ban đầu cho Kabul, sau khi lực lượng nước ngoài rút khỏi quốc gia Nam Á này.
Thỏa thuận sơ bộ đã được Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ký kết. Ảnh: AP |
Theo Hiệp ước an ninh mới, quân đội Mỹ có thể ở lại Afghanistan sau năm 2014 - thời điểm lực lượng nước ngoài rút hết quân và chuyển giao quyền kiểm soát hoàn toàn cho chính phủ Kabul.
Song, vấn đề đặt ra là quyền miễn trừ truy tố cho quân đội Mỹ tại Afghanistan. Đây cũng là trở ngại lớn nhất, vấn đề then chốt nhất khiến các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia đồng minh kéo dài một năm qua vẫn chưa đạt được kết quả. Vì vậy, các quan chức Mỹ gọi Hiệp ước an ninh sơ bộ là sự đột phá trong việc lực lượng nước ngoài vẫn lưu lại và làm việc với một số thủ lĩnh bộ tộc cũng như các nhà lãnh đạo chính trị ở Afghanistan.
Đi cùng Ngoại trưởng Kerry, các quan chức Mỹ được Reuters dẫn lời cho biết, Hiệp ước an ninh đã đáp ứng tất cả các điều kiện của Washington, trong đó có thẩm quyền phán quyết đối với các hành vi phạm tội của số binh lính Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014.
Vấn đề miễn trừ truy tố được đặt ra sau khi binh sĩ Mỹ Robert Bales giết chết 16 người ở 2 làng thuộc miền nam Afghanistan vào năm ngoái. Tháng 8 vừa qua, Bales bị một tòa án quân sự truy tố, kết án chung thân và không có cơ hội được phóng thích.
Ông Kerry nói rằng, không nên đánh đồng quyền miễn trừ bởi miễn trừ không có nghĩa là bỏ qua. Nhà ngoại giao này khẳng định Mỹ sẽ truy tố bất kỳ hành động sai trái của binh sĩ Mỹ vi phạm luật pháp Afghanistan và các thỏa thuận tương tự cũng sẽ được ký với nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thực tế, ông Kerry đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến công du này. Các nhà chức trách Mỹ muốn có thỏa thuận an ninh với nước đồng minh Nam Á vào cuối tháng 10 tới. Và chuyến thăm Afghanistan của ông Kerry phải chăng là “cú hích” cho việc thúc đẩy thỏa thuận trước khi thời hạn kết thúc, nhằm bảo đảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại một đất nước ở bên kia bờ đại dương, thay vì “trắng tay” rút quân như khi thỏa thuận an ninh sụp đổ ở Iraq vào năm 2011.
Hãng Reuters cho hay, ước tính có 87.000 binh sĩ quốc tế ở Agfghanistan, trong đó khoảng 52.000 người Mỹ. Những con số này sẽ giảm ½ vào tháng 2-2014 và tất cả lực lượng nước ngoài sẽ rời Kabul vào cuối năm tới. Mỹ muốn giữ khoảng 10.000 binh sĩ lại để đối phó với tàn dư của Al-Qaeda. Nhưng nếu không có thỏa thuận an ninh nào được ký kết, tất cả binh sĩ Mỹ vẫn phải rời Afghanistan trước ngày 31-12-2014. Chính Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo, nếu hai bên không đạt thỏa hiệp về vấn đề nhạy cảm trên thì sẽ không có một hiệp định cho phép lính Mỹ tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014, cho dù các nhà chức trách Kabul vẫn quan ngại về tình hình an ninh khi vắng mặt lực lượng nước ngoài.
Tuy nhiên, Hiệp ước an ninh song phương giữa Mỹ và Afghanistan cần phải được Hội đồng Loya Jirga thông qua (hội đồng gồm các bô lão, lãnh đạo và những người có ảnh hưởng của Afghanistan).
VĨNH AN