.

"Cái bắt tay" lịch sử ở Geneva

.

Hơn 3 thập niên bất hòa, nghi kỵ, rốt cuộc Iran và Mỹ (cùng 5 cường quốc khác) cũng đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử, đánh dấu bước phát triển đáng kể nhất trong quan hệ giữa Tehran với P5+1.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Cao ủy về đối ngoại của EU Catherine Ashton cùng các quan chức khác vui mừng khi đạt được thỏa thuận. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Cao ủy về đối ngoại của EU Catherine Ashton cùng các quan chức khác vui mừng khi đạt được thỏa thuận. Ảnh: AP

Sau 4 ngày đàm phán bế tắc, ngày nghị sự thứ 5 (ngày 24-11) kéo dài hơn dự kiến đã mang lại thắng lợi lớn ở Geneva (Thụy Sĩ). Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif có thể cười rạng rỡ sau khi tuyên bố trên trang Twitter cá nhân: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận”.

Ông Zarif đến Geneva mang theo ý định muốn “đổi hạt nhân lấy dầu mỏ”, nhưng lại không muốn cúi đầu trước bất kỳ “yêu cầu quá đáng” nào. Các nghị sĩ Iran cũng yêu cầu chính phủ không nhượng bộ một cách vô lý. Việc thỏa hiệp quá nhiều có thể tạo ra “cơn bão” trong những người theo đường lối cứng rắn ở Iran - những người vốn không mặn mà về việc cuộc đối thoại marathon và sự tiếp cận của Tổng thống Hassan Rowhani với Mỹ. Cái khó của ông Zarif là như thế, nghĩa là ông phải tiến - lùi phù hợp.

Với thỏa thuận trên, Iran cam kết không thực hiện chương trình làm giàu uranium ở mức 5% trong 6 tháng, đồng thời tháo dỡ các phương tiện kết nối kỹ thuật cho phép làm giàu uranium. Iran cũng cam kết vô hiệu hóa kho dự trữ uranium với tỷ lệ gần 20% bằng cách pha loãng dưới 5% trong 6 tháng. Không những thế, Tehran sẽ không cài đặt thêm các máy ly tâm làm giàu uranium tại nhà máy Fordow và ngưng hoạt động các chương trình tại Natanz. Lò phản ứng hạt nhân mới tại Arak cũng phải ngừng hoạt động. Các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ được tiếp cận các khu vực Fordow, Natanz…

AP cho biết, thế bế tắc về ngoại giao giữa Iran với Mỹ suốt 34 năm tạm thời được tháo gỡ. Điều này cũng xuất phát từ quan hệ có nhiều cải thiện giữa hai Tổng thống thời gian gần đây, sau khi ông Hassan Rowhani giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi thỏa thuận “chỉ là bước đi đầu tiên”. Tuyên bố của Nhà Trắng cũng gọi đây là “bước đi đầu tiên trong 6 tháng”. Còn Ngoại trưởng John Kerry nói rằng, chính bước đi đầu tiên này sẽ làm thế giới an toàn hơn. Ông Kerry đã ôm Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, người đóng vai trò điều phối trong cuộc đàm phán lần này, để chúc mừng “một thỏa thuận thật sự lớn”.

Cũng theo ông Kerry, “cái bắt tay lịch sử” ở Geneva sẽ làm các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông an toàn hơn, trong đó có Israel - kẻ thù của Iran. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không hài lòng về thắng lợi ở Geneva. Với ông, việc mở đường cho Iran là “sai lầm lịch sử”. Ông Netanyahu cho rằng, cộng đồng quốc tế nhượng bộ quá nhiều đối với Iran và sẽ không loại trừ việc Tehran vẫn sản xuất vũ khí hạt nhân, đe dọa Israel. Có thể lo ngại của Israel là không cần thiết khi các cường quốc như Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Đức đều đã đặt bút ký. Và nói thì nói vậy, chứ các quan chức Israel đã ngừng đe dọa dùng quân sự tấn công Iran. Bởi lẽ, Tel Aviv hiểu rằng, không thể để nhà nước Do Thái bị cô lập, cũng không thể phá hủy liên minh với Mỹ. Chính phủ Tel Aviv chỉ nhấn mạnh: Cần có thêm thời gian cho thỏa thuận.

Các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận lịch sử giữa Iran với P5+1 đã và đang xoa dịu căng thẳng, nhưng những khác biệt vẫn còn, nhất là sự ủng hộ của Tehran đối với chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hơn nữa, cũng có những quan ngại Iran sẽ không hoàn toàn đóng cửa với vũ khí hạt nhân như cam kết.

Tổng thống Rowhani hoan hỉ, nói rằng những gì đạt được ở Geneva đang mở ra các chân trời mới và người dân của ông đã bỏ phiếu bầu cho sự ôn hòa (hàm ý việc ông đắc cử Tổng thống là một trong những nguyên nhân thúc đẩy đàm phán thành công). Trong khi đó, Tổng thống Obama cho biết, nếu Iran không thực hiện các cam kết trong 6 tháng thì Mỹ sẽ trở lại các biện pháp cấm vận. Vậy nên thỏa thuận tại Geneva cũng chỉ là bước khởi động cho một tiến trình quan trọng hơn cả: tiến trình xây dựng niềm tin.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.