.

"Cảnh báo khẩn cấp" từ Philippines

.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon gọi những gì xảy ra ở Philippines do siêu bão Haiyan gây ra là “cảnh báo khẩn cấp”, là “ví dụ về sự thay đổi khí hậu và tác động của khí hậu đối với tất cả chúng ta trên trái đất”.

Một rãnh dài được đào để an táng các nạn nhân bão Haiyan ở Tacloban. 					              Ảnh: AFP/Getty Images
Một rãnh dài được đào để an táng các nạn nhân bão Haiyan ở Tacloban. Ảnh: AFP/Getty Images

Hơn một tuần sau khi bão Haiyan tàn phá Philippines, nỗi đau và mất mát quá lớn ở quốc đảo này vẫn gây chấn động toàn cầu. Với 7.000 hòn đảo và phải hứng chịu trung bình 20 cơn bão/năm, nhưng chưa bao giờ Philippines đối mặt với thảm họa thiên tai khủng khiếp như Haiyan. LHQ ước tính có 4.460 người chết, gần 2 triệu người mất nhà cửa và 2,5 triệu người Philippines cần viện trợ khẩn cấp.

Song, các thống kê về số người chết hiện khác nhau. AP dẫn thống kê mới nhất của chính phủ Philippines ngày 17-11 cho biết, có 3.974 người chết, thay vì 10.000 người chết như công bố ban đầu của cảnh sát; 12.544 người bị thương và khoảng 1.200 người vẫn mất tích. Tin từ Sky News cho hay, có 3.633 người chết, gần 12.500 người bị thương và 1.179 người mất tích.

Tại Đại học Tallin ở Estonia trong chuyến công cán đến một số nước vùng Baltic trước khi trở lại Warsaw (Ba Lan) để tham dự tuần thứ hai của đàm phán về chống biến đổi khí hậu, ông Ban Ki-moon muốn lấy câu chuyện của Philippines để kêu gọi sự chung tay của toàn cầu cho mục tiêu vào năm 2015. “Chúng ta cần hành động trước khi quá trễ”, ông nói.

Những việc cần làm ngay, theo ông Ban Ki-moon, là một thỏa thuận cắt giảm hiệu ứng nhà kính, nhất là đối với các nước giàu - những nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn. “Khi nhiệt độ gia tăng sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Mối đe dọa này là thực tế và chúng ta phải có trách nhiệm để ngăn chặn điều này”, nhà lãnh đạo LHQ nói. Theo đó, từ tháng 2-2014, một ban cố vấn gồm 30 nhà khoa học sẽ bắt đầu làm việc để giúp LHQ đưa ra các quyết định trong việc bảo vệ tài nguyên của toàn cầu và giải quyết các mối đe dọa biến đổi khí hậu.

Những giọt nước mắt của ông Naderev Yeb Sano, trưởng đoàn đàm phán Philippines, tại hội nghị ở Ba Lan gây xúc động cho hàng triệu triệu trái tim. Ông Sano khóc vì sự bất lực của thế giới. Ông khóc vì những đau thương mà đất nước của ông lẽ ra có thể tránh được nếu những cam kết về chống biến đổi khí hậu được đưa ra sớm hơn, nếu các nước giàu đừng quá vì lợi ích của riêng mình mà phớt lờ lợi ích của cộng đồng.

Ngày 17-11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đến các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Haiyan. Ông Aquino đang đối mặt với những chỉ trích vì phản ứng quá chậm đối với thảm họa và chính phủ không thống kê chính xác được con số thương vong, nhất là ở thành phố Tacloban, thuộc tỉnh Leyte.

Quan ngại trong lúc này là mọi nỗ lực cứu trợ đã vượt quá khả năng của Philippines. Chính phủ Manila ước tính thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng và nông nghiệp khoảng 10 tỷ peso (230 triệu USD). Song, LHQ cho rằng, thiệt hại về kinh tế và nhân mạng có thể tăng lên nếu viện trợ không đến được với nông dân ở những khu vực trồng lúa trong mùa thu hoạch tới (tháng 12-2013 và tháng 1-2014).

Thủ tướng Anh David Cameron cam kết hỗ trợ thêm 48 triệu USD cho Philippines. Trong khi đó, Nhật Bản hứa cử 1.180 binh sĩ đến quốc đảo Đông Nam Á, cùng với sự trợ giúp của quân đội Mỹ từ tàu sân bay USS George Washington.

Các chuyên gia về khí hậu cảnh báo, những cơn bão có thể mạnh hơn và thời tiết trên khắp thế giới sẽ khắc nghiệt hơn. Như thế, thảm họa ở Philippines chỉ là một trong những khởi đầu cho bức tranh u ám nếu gần 200 quốc gia nhóm họp tại Ba Lan từ ngày 11-11 đến 22-11 vẫn không tìm được tiếng nói chung.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.