Không chỉ châu Âu mà Trung Quốc và các chính phủ Đông Nam Á hiện cũng phản ứng tức giận, yêu cầu Mỹ phải giải thích về chương trình do thám.
Những người biểu tình ở Berlin (Đức) chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng chương trình do thám tương tự Stasi - cơ quan an ninh quốc gia cũ ở Đông Đức. Ảnh: AFP |
Thông tin được đăng tải trên báo chí về việc các đại sứ quán Mỹ và Úc ở châu Á được sử dụng làm những trung tâm cho chương trình thu thập dữ liệu điện tử bí mật của Washington làm Trung Quốc và các chính phủ Đông Nam Á không đứng ngoài cuộc được nữa. Đến lúc này, dù chưa rõ thực hư của chương trình do thám do Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thực hiện, nhưng quan hệ giữa hai bờ đại dương - giữa Mỹ với châu Âu và giữa Mỹ với châu Á đang rạn nứt. Hơn nữa, sự việc có thể ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch “xoay trục châu Á” của Mỹ.
Những thông tin liên quan đến chương trình giám sát của Mỹ ở châu Á một lần nữa cũng do “người thổi còi” Edward Snowden tiết lộ và được tạp chí Der Spiegel của Đức đăng tải trong tuần này. Bài viết mô tả một chương trình tình báo mang mật danh “Stateroom”. Theo đó, các đại sứ quán Mỹ, Anh, Úc và Canada bí mật thu thập các thông tin liên lạc điện tử. Hơn nữa, những nước này cùng New Zealand đã ký một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo.
Báo Sydney Morning Herald ngày 31-10 cũng xác nhận thông tin trên. Theo tờ báo này, các đại sứ quán Úc được dùng để nghe lén điện thoại và lọc dữ liệu tại khắp châu Á như một phần của hệ thống do thám của Mỹ.
AP dẫn lời nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bày tỏ quan ngại về thông tin trên, đồng thời yêu cầu Washington giải thích. Bà Hoa Xuân Ánh yêu cầu các đại sứ quán nước ngoài ở Trung Quốc và các cơ quan liên quan tôn trọng Hiệp ước Vienna cùng các hiệp ước quốc tế khác, đồng thời không liên quan đến bất kỳ hoạt động nào làm tổn hại lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Theo tập đoàn truyền thông Fairfax của Úc ngày 31-10, các đại sứ quán Úc liên quan việc thu thập tin bao gồm những cơ sở đóng tại Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), Bắc Kinh (Trung Quốc), Dili (Đông Timor) và cả ở Việt Nam; hay các cơ quan ngoại giao tại Kuala Lumpur (Malaysia) và Port Moresby (Papua New Guinea).
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói rằng, chính phủ nước này “không thể chấp nhận và phản đối mạnh mẽ về sự tồn tại các cơ sở nghe lén tại Đại sứ quán Mỹ ở Jakarta”. “Hành động như thế không chỉ vi phạm an ninh, mà còn vi phạm nghiên trọng các tiêu chuẩn ngoại giao cũng như đạo đức và chắc chắn không phù hợp với tinh thần quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia”, Ngoại trưởng Natalegawa nói.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi, chính phủ nước này xem các cáo buộc là vấn đề nghiêm trọng. Malaysia khẳng định sẽ điều tra khả năng Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kuala Lumpur có được dùng làm gián điệp hay không. Song ngay lập tức, đảng đối lập thúc giục chính phủ Malaysia bày tỏ phản đối với cả Mỹ lẫn các đại sứ quán Úc.
Đối với Thái Lan, trong một tuyên bố, Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia - Tướng Paradorn Pattanathabutr - nói rằng việc do thám là hành động phạm pháp theo luật Thái Lan. Ông Pattanathabutr còn nhấn mạnh: Thái Lan sẽ không hợp tác, ngay cả khi được yêu cầu hỗ trợ nghe lén.
Phát biểu với AP, chuyên gia tình báo hàng đầu của Úc Des Ball (hiện là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược của Đại học quốc gia Úc) nói rằng, ông thấy cả ăng-ten ngầm tại 5 đại sứ quán mà Fairfax đề cập. Song, ông Ball không cung cấp thêm chi tiết, chỉ nói rằng tiết lộ của tạp chí Der Spiegel không gây ngạc nhiên bởi nhiều nước vẫn thường xuyên dùng đại sứ quán làm căn cứ để nghe lén các cuộc điện thoại.
Các nhà quan sát nhận định: Tổng thống Mỹ Barack Obama đang bị đẩy vào thế khó khi chính phủ của ông vẫn chưa có lời giải thích nào thỏa đáng về “sự vươn tay” của NSA trên khắp các châu lục, từ Mỹ sang Âu và Á.
PHÚC NGUYÊN