.

Đàm phán Iran - phương Tây: Kỳ vọng "thỏa thuận đột phá"

.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng, lần đầu tiên Washington tin Iran sẵn sàng thúc đẩy tiến trình đàm phán nhanh chóng và cũng là lần đầu tiên Tehran không dùng đàm phán để kéo dài thời gian.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi (phải) gặp gỡ Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano tại Áo ngày 28-10 vừa qua. Ảnh: AP
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi (phải) gặp gỡ Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano tại Áo ngày 28-10 vừa qua. Ảnh: AP

Ngày 7-11, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng, thỏa thuận với phương Tây sẽ mở cánh cửa cho một giải pháp tháo gỡ khủng hoảng hạt nhân kéo dài cả thập niên giữa Tehran với 6 nước (P5+1, bao gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức). Đối thoại giữa Iran và phương Tây diễn ra trong 2 ngày (7 và 8-11) tại Geneva (Thụy Sĩ). Đây là cuộc gặp lần thứ hai giữa Iran với 6 cường quốc chỉ trong vòng gần một tháng.

Phát biểu với báo giới tại Geneva, ông Zarif nhấn mạnh nếu các nước liên quan đều nỗ lực thì có thể đạt được thỏa thuận ngay trong tuần này. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran cho biết, mục đích của Tehran đến Thụy Sĩ là muốn vượt qua “bức tường mất niềm tin” do các chính sách của phương Tây tạo ra. Tuy nhiên, ông nhận biết rất rõ rằng, đàm phán vẫn rất khó khăn. Dù các bên lạc quan đến mấy thì vẫn không dễ dàng mở được cánh cửa để tìm tiếng nói chung giữa Iran với phương Tây.

Trong khi đó, các cường quốc cũng muốn thúc đẩy một thỏa thuận mang tính đột phá với Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của quốc gia Cộng hòa hồi giáo này. Vấn đề đặt ra là bên này muốn thấy thiện chí thật sự của bên kia và vì vậy cả hai đều chưa thể gạt bỏ sự hoài nghi lẫn nhau.

Mỹ và các đồng minh nói rằng, họ hoan nghênh sự thay đổi thái độ của Iran kể từ khi Tổng thống Hassan Rowhani nhậm chức trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua. Ngay khi lên nắm quyền, ông Rowhani cam kết cư xử ôn hòa hơn để phương Tây bãi bỏ cấm vận. Tuy nhiên, theo Reuters, phương Tây nhấn mạnh Iran cần thực hiện cam kết bằng hành động và có những bước đi cụ thể. Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, những gì mà phương Tây đang tìm kiếm là giai đoạn đầu tiên, bước đi đầu tiên, một nhận thức sơ khởi về việc ngừng phát triển chương trình hạt nhân của Iran. Theo đó, Washington sẵn sàng giảm bớt các biện pháp trừng phạt Iran nếu trong 2 ngày diễn ra đàm phán, Tehran thực hiện “bước đi đầu tiên” trong việc ngừng mở rộng chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Reuters cho biết, P5+1 muốn Iran ngừng các nỗ lực làm giàu uranium và các hoạt động sản xuất hạt nhân nhạy cảm khác, đóng cửa cơ sở Fordo ở gần thành phố Qom, do quan ngại Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng để đổi lấy sự nhượng bộ này, Tehran muốn các cường quốc bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế làm tổn hại nặng nề ngành công nghiệp dầu mỏ.

Mặc cho những nghi ngờ của phương Tây, Iran đến nay vẫn khẳng định muốn phát triển điện hạt nhân, chứ không phải là vũ khí hạt nhân. Quan điểm của Tổng thống Rowhani không quá cứng rắn như người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad. Ông Rowhani không kiên quyết nói “không” với các đề nghị nhượng bộ. Song đến nay, ngoài lời nói, Tehran chưa có động thái tỏ rõ sự lùi bước trước sức ép của phương Tây.

Quan ngại về đàm phán khó khăn của Ngoại trưởng Zarif không hẳn không có cơ sở, bởi Cao ủy LHQ về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cũng thừa nhận khó khăn tại Geneva. Ông Michael Mann, người phát ngôn của bà Ashton, nói rằng các cuộc đối thoại phức tạp và tiến đến một giai đoạn khó.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.