.

Kazai ra điều kiện với Mỹ về BAS

Sau nhiều tháng đàm phán đầy khó khăn, dự thảo Hiệp định an ninh song phương với Mỹ (BAS), cho phép một số lượng binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014 đã hoàn tất. Theo dự thảo BAS, Afghanistan có thể cho phép từ 8.000 đến 12.000 binh lính Mỹ và NATO tiếp tục ở lại nước này sau năm 2014. Số binh lính này có thể được miễn trừ trước luật pháp nước sở tại và được quyền tiến hành các chiến dịch quân sự, khám xét các nhà thờ và nhà dân Afghanistan trong "trường hợp đặc biệt".  Nếu hiệp định được ký kết, sau năm 2014 quân đội Mỹ sẽ được toàn quyền sử dụng căn cứ không quân Bagram ở phía Bắc thủ đô Kabul và được quyền sử dụng chung 8 căn cứ khác trên toàn lãnh thổ Afghanistan. Tuy nhiên, thời gian để hai bên ký BAS vẫn còn bỏ ngỏ.

Sau 4 ngày họp, ngày 24-11, Hội đồng thủ lĩnh các bộ tộc Afghanistan, cơ quan có vai trò quan trọng trong việc tư vấn các chính sách, đã chính thức ủng hộ BAS, song cũng đưa ra danh sách điều chỉnh 31 mục trong thỏa thuận này. Trong đó gồm việc trả tự do cho 19 tù nhân Afghanistan từ nhà tù Guantanamo, nghiêm cấm việc Mỹ sử dụng truyền thông ở Afghanistan để do thám; Mỹ không được sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến hành các hoạt động chống khủng bố ở nước láng giềng…

Tuy nhiên, bất chấp khuyến nghị của Hội đồng này cũng như sức ép từ phía Mỹ, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai vẫn từ chối ký BAS trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4-2014 .

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội đồng thủ lĩnh các bộ tộc, ông Karzai đặt điều kiện là Mỹ phải mang lại hòa bình cho người dân Afghanistan trước khi ông đặt bút ký vào thỏa thuận, vì hòa bình của người dân Afghanistan là việc cần đạt được ngay, chứ không phải chờ 10 hoặc 15 năm nữa. Tổng thống Karzai đặc biệt nhấn mạnh, binh lính Mỹ phải chấm dứt các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Afghanistan, hợp tác với nước chủ nhà trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4-2014, và hợp tác cả trong những nỗ lực kiến tạo hòa bình với phe Taliban. Vì theo ông: “Hòa bình là điều kiện của chúng ta với Mỹ. Mỹ cần mang lại hòa bình cho chúng ta. Nếu họ thành thật với chúng ta, điều đó sẽ diễn ra”. Trong khi đó, lực lượng Taliban phản đối gay gắt thỏa thuận trên, coi đây là một "thỏa thuận của nô lệ".

Ngay sau đó, từ Washington, phản ứng trước động thái gây bất ngờ này của Tổng thống Hamid Karzai , Nhà Trắng khẳng định việc Mỹ và Afghanistan ký một thỏa thuận an ninh mới trong năm nay là điều cấp bách. Trả lời báo giới, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định việc Afghanistan từ chối ký kết Hiệp định này trong năm nay sẽ là "một dấu hiệu chứng tỏ nước này không tôn trọng mối quan hệ với các đối tác, cũng như một thỏa thuận hợp tác chiến lược song phương đã ký kết năm ngoái giữa Mỹ và Afghanistan rằng, sẽ kết thúc BSA trong vòng một năm. Tiếp đó, trong một tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice ngày 25-11 đã nói với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai rằng: "Nếu không ký ngay BAS, Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lên kế hoạch cho thời gian sau năm 2014 mà ở đó sẽ không còn quân của Mỹ hay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện diện ở Afghanistan". Tuyên bố trên còn cho hay bà Rice nhấn mạnh rằng "việc lùi thời gian ký hiệp định trên tới sau cuộc bầu cử năm tới là không thể thực hiện được" trong cuộc gặp Tổng thống Karzai.

Để gia tăng áp lực với chính quyền của Tổng thống Karzai, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng lên tiếng cảnh báo việc lập kế hoạch cho sự hiện diện của quân Mỹ sau năm 2014 có thể sẽ bị hủy nếu thỏa thuận về an ninh này không được hoàn tất vào cuối năm nay.     

Lý giải về những diễn biến nói trên, nhà phân tích chính trị Idriss Rahmani thuộc hãng tư vấn AIR tại Kabul cho rằng, Tổng thống Karzai đang nỗ lực tránh những “rủi ro” khi ông chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ và sẵn sàng trì hoãn thỏa thuận song phương với Mỹ cho đến khi nào ông nhận được một số bảo đảm. Vì theo ông, những sửa đổi trong bản thỏa thuận do Hội đồng thủ lĩnh các bộ tộc đưa ra sẽ tạo cơ hội cho Tổng thống Karzai tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ và trì hoãn việc ký kết thỏa thuận sau cuộc bầu cử vào tháng 4-2014.

Ngược lại, một số nhà phân tích chính trị khác lại cho rằng, việc ký kết BAS chỉ là vấn đề thời gian, bởi Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động duy trì an ninh của NATO tại Afghanistan. Bởi, trong dự thảo BAS, một thỏa thuận an ninh với khoản viện trợ 8 tỷ USD mỗi năm để trả lương cho các lực lượng an ninh Afghanistan và tăng cường các tổ chức dân sự là điều rất quan trọng đối với tương lai của Afghanistan, một quốc gia còn rất khó khăn về kinh tế.

Nhưng dẫu sao đi nữa thì sự “trở mình” của Tổng thống Kazai có những lý do chính đáng, cũng như quan điểm bất bình của một số trưởng lão và cả sự chống đối của lực lượng Taliban về BAS thật sự gây khó khăn cho Washington trong việc cố gắng duy trì có mặt quân đội Mỹ để thiết lập vị trí chiến lược tại quốc gia Nam Á này sau năm 2014.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.