Cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 6-11 được cho là nỗ lực để cứu vãn hòa bình Trung Đông, sau khi Palestine dọa rút khỏi đàm phán hòa bình.
Ngoại trưởng John Kerry (trái) gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerrusalem. Ảnh: AFP |
Ngoại trưởng John Kerry đến Jerusalem khi cả phía Israel lẫn Palestine đều cảnh báo: vòng đàm phán thứ 16 vốn được nối lại vào cuối tháng 7 vừa qua sau những nỗ lực ngoại giao của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đang bên bờ sụp đổ.
Thủ tướng Netanyahu nói rằng, đàm phán với Palestine thất bại và ông hy vọng Ngoại trưởng Kerry có thể thúc đẩy nối lại đối thoại. Bức tranh ảm đạm mà nhà lãnh đạo cánh hữu của Israel vẽ ra tương tự phác thảo của các quan chức cấp cao Palestine. Phía Palestine cho rằng, kế hoạch mà Israel công bố hồi tuần trước về việc xây dựng thêm 3.500 ngôi nhà tái định cư ở Bờ Tây là hành động gây trở ngại cho đàm phán.
Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu mô tả động thái của Palestine tạo ra “khủng hoảng nhân tạo”. Nhà lãnh đạo Tel Aviv bày tỏ quan ngại về tiến trình đàm phán hòa bình, đồng thời nói rằng, ông thấy “người Palestine tiếp tục kích động, tiếp tục tạo ra khủng hoảng nhân tạo, tiếp tục tránh né….”. Reuters dẫn lời ông Netanyahu bày tỏ hy vọng các cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Kerry với ông tại Jerusalem và với Tổng thống Abbas tại Bethlehem sẽ đưa đàm phán “đến nơi mà chúng ta có thể đạt được hòa bình lịch sử”. Trước đó, phía Israel khẳng định không từ bỏ các cuộc đàm phán và sẽ thực hiện các cam kết tiến hành thương lượng trực tiếp trong suốt khung thời gian đặt ra.
Trở lại Trung Đông trong chuyến ngoại giao con thoi lần này, ông Kerry tin tưởng một thỏa thuận hòa bình sẽ ra đời trong vòng 6 tháng, thay vì mục tiêu 9 tháng. Ông đang theo đuổi một thỏa thuận dựa trên “giải pháp hai nhà nước”, theo đó Israel và Palestine tồn tại song hành ở Bờ Tây và Gaza. Tuy nhiên, ông cũng nhận biết rất rõ những khó khăn, trở ngại và cần “những thỏa thuận thật sự cũng như những quyết định cứng rắn” từ cả hai phía.
Nguyên nhân gây căng thẳng kéo dài giữa Israel và Palestine chính là vấn đề tái định cư Do Thái. Một quan chức cấp cao Palestine nói rằng, phía ông không thể tiếp tục cuộc hòa đàm nếu Israel tiếp tục mở rộng hoạt động xây dựng nhà định cư cho người Do Thái tại khu Bờ Tây và Đông Jeusalem. Điều kiện mà Palestine đặt ra là Israel phải từ bỏ các khu tái định cư - một điều kiện rất khó được Tel Aviv chấp thuận. “Phía Israel quyết tâm tiếp tục dự án tái định cư và chúng tôi không thể tiếp tục đàm phán”, vị quan chức Palestine nói.
Palestine còn cho rằng, thỏa thuận phải đựa trên các đường biên giới năm 1967, sau đó mới bàn về khung thời gian. Người Palestine muốn nhà nước của họ bao gồm vùng đất bị Israel chiếm vào năm 1967 bao gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza, nhưng điều quan ngại là hiện vẫn còn khoảng 500.000 người Israel sinh sống tại các khu tái định cư nơi đây. Trong khi đó, ông Netanyahu muốn Palestine công nhận Israel là nhà nước Do Thái và phản đối việc vẽ lại đường biên giới năm 1967.
Theo các nhà quan sát, ông Kerry khó hoàn thành sứ mệnh khi Israel và Palestine chưa thật sự tỏ rõ thiện chí, nhất là cả hai đều không ai chịu nhượng bộ. Vì vậy, Mỹ vẫn chưa thể vạch ra bất kỳ nội dung dự thảo nào cho kế hoạch vốn được kỳ vọng là bước đột phá về mặt ngoại giao ở Trung Đông, dự kiến công bố vào đầu năm 2014. Việc ông Abbas đề nghị Washington đóng vai trò tích cực hơn cho một thỏa thuận lâu dài giữa Israel và Palestine trước khi giai đoạn đàm phán 9 tháng kết thúc có chăng chỉ là những lời ngoại giao.
Sau khi gặp gỡ Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Ngoại trưởng Kerry trở lại Jerusalem để hội đàm với Tổng thống Israel Shimon Peres và gặp lại Thủ tướng Netanyahu. Ngày 7-11, ông Kerry đến Jordan và dự kiến gặp lại Tổng thống Abbas tại đây.
PHÚC NGUYÊN