.

Mỹ không khoan hồng cho Edward Snowden

.

Giới chức các ủy ban tình báo tại Quốc hội Mỹ tuyên bố sẽ không khoan hồng cho cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden về hành động tiết lộ các bí mật tình báo vốn đang đẩy siêu cường số một thế giới vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn.

Edward Snowden trả lời phỏng vấn báo The Guardian tại Hong Kong ngày 10/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Edward Snowden trả lời phỏng vấn báo The Guardian tại Hong Kong ngày 10-6 (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thông tin này được công bố sau khi một nghị sỹ Đức công khai bức thư của Snowden đề nghị được khoan hồng để có cơ hội làm chứng trước Quốc hội Mỹ và đưa ra ánh sáng "những vi phạm có thể rất nghiêm trọng".

Phát biểu trên truyền hình Mỹ, Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, Diane Feinstein thẳng thừng tuyên bố, Snowden đã đánh mất cơ hội được khoan hồng. Theo bà, đáng lẽ Snowden đã có thể gọi điện cho Quốc hội để tố giác những hoạt động mà nhân viên này cho là sai trái, nhưng anh ta lại chọn phương thức tiết lộ thông tin ra bên ngoài. Đó là hành động phản bội đất nước.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, Mỹ Mike Rogers cho rằng "không có bất kỳ lý do gì để xóa bỏ những cáo trạng đối với Snowden".

Ông Rogers cho rằng, những tiết lộ của Snowden đã đặt mạng sống của binh lính Mỹ đồn trú tại nước ngoài (như ở Afghanistan,...) vào tình trạng nguy hiểm hơn và báo động cho các tổ chức khủng bố thay đổi cách thức liên lạc.

Cố vấn Nhà Trắng, Dan Pfeiffer tuyên bố, Snowden đã vi phạm luật pháp Mỹ.

Trong động thái khác nhằm xoa dịu Đức về việc tình báo Mỹ nghe trộm điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng thời biện hộ cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, Feinstein nói rằng, Washington cần phải xem xét vấn đề này cẩn thận và Tổng thống đang làm điều đó.

Cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) và CIA Mike Hayden cho rằng, nhiều khả năng Tổng thống Obama không hề biết việc NSA theo dõi điện thoại của bà Merkel, vì cơ quan này chưa kịp báo cáo cho Tổng thống những việc họ đang tiến hành.

Trong khi đó, vụ bê bối nghe lén điện thoại tiếp tục lan rộng trên thế giới. Truyền thông Israel ngày 3-11 dẫn thông tin trên tờ New York Times cho biết, Mỹ đã theo dõi cả các mục tiêu quân sự của đồng minh thân cận Israel, bất chấp việc Israel vẫn chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ.

Thông tin rò rỉ từ Snowden cho thấy, mặc dù có mối quan hệ gần gũi với cơ quan tình báo quân sự Israel nhưng NSA đang theo dõi "những mục tiêu quân sự ưu tiên cao" của Nhà nước Do Thái như máy bay không người lái và hệ thống tên lửa Mũi tên Đen...

Đây là hệ thống tên lửa đã được Israel sử dụng trong cuộc diễn tập phòng thủ chống tên lửa vào thời điểm Mỹ đang có những động thái chuẩn bị hành động quân sự chống Syria.

Thông tin này xuất hiện không lâu sau khi tờ Washington Post đưa tin, các cơ quan tình báo Mỹ "quan tâm tới cả đồng minh và kẻ thù". Các hồ sơ mật cho biết, các chiến dịch phản gián Mỹ "tập trung chiến lược chống lại những mục tiêu ưu tiên của Trung Quốc, Nga, Iran, Cuba và Israel".

Tờ New York Times còn tiết lộ cách thức tình báo Mỹ do thám các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có nhà lãnh đạo tối cao Iran Khamenei và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.