Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia. Người dân sống sót ở Leyte và Samar, 2 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong bão Haiyan, đang trải qua những ngày đau thương trước những mất mát quá lớn.
Các nhân viên cứu hộ của Philippines và các quốc gia, tổ chức quốc tế đang nỗ lực tiếp cận với những khu vực bị chia cắt sau bão.
Phụ nữ và trẻ em được ưu tiên lên máy bay rời thành phố Tacloban. Ảnh: AP |
2 máy bay, 3.000 người
AP cho biết, rạng sáng 12-11, khi 2 máy bay của lực lượng Không quân Philippines C-130 đến sân bay của thành phố Tacloban, thuộc tỉnh Leyte - sân bay bị hư hại do bão Haiyan, hơn 3.000 người chờ sẵn để được đưa ra khỏi nơi tang thương này. Các người mẹ nâng những đứa trẻ lên cao với hy vọng họ sẽ được ưu tiên sơ tán. Nhưng chỉ vài trăm người được lên máy bay. Biết bao ánh mắt thất vọng, buồn bã. Những giọt nước mắt lăn dài hòa cùng nước mưa. Những người ở lại sống trong tình trạng thiếu lương thực, nước uống và với vô số thi thể.
Người dân Tacloban khẩn khoản xin với các binh sĩ cho họ được lên máy bay rời khỏi “thành phố chết”, nhưng không đủ chỗ cho tất cả mọi người. Nhiều người đã tức giận. “Có phải họ muốn tôi chết ở sân bay này?”, Helen Cordial có nhà bị sập hoàn toàn trong bão nói.
Trong khi đó, bà Aristone Balute (81 tuổi) cũng không thể lên máy bay cho biết: “Chúng tôi đã không ăn gì từ chiều hôm qua”. Quần áo của bà Balute ướt đẫm nước mưa, còn khuôn mặt thì đầm đìa nước mắt.
Theo AP, “cuộc đấu tranh” ở sân bay Tacloban là một trong vô số cảnh tượng đau thương ở Philippines kể từ khi siêu bão Haiyan tấn công nước này vào ngày 8-11. Hiện tại, chỉ một số ít viện trợ đến được với vùng tâm bão trong khi có 9,7 triệu người ở 41 tỉnh bị ảnh hưởng từ thảm họa này. Hầu hết người dân trải qua những đêm ngủ dưới trời mưa hoặc ở trong những ngôi nhà bị phá hủy. Một số người may mắn được ngủ trong những lều bạt do chính phủ hoặc các nhóm cứu trợ cung cấp. Tổng Thư ký Cơ quan Phát triển và phúc lợi xã hội của Philippines Corizon Soliman cho biết, viện trợ đã đến với 1/3 trong số 45.000 gia đình ở Tacloban.
Tình trạng thảm họa quốc gia
Tổng thống Aquino tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia, cho phép chính phủ Trung ương giải ngân quỹ ứng phó khẩn cấp nhanh chóng hơn và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu. Ông Aquino nói rằng, 2 tỉnh Leyte và Samar thiệt hại quá lớn, còn thương vong ở các địa phương khác thấp.
Cũng chịu ảnh hưởng của bão Haiyan nhưng ở mức độ nhẹ hơn, Việt Nam hỗ trợ nước bạn Philippines 100.000 USD và cam kết sát cánh cùng người dân của quốc gia khu vực Đông Nam Á này. |
Bà Natasha Reyes, người điều phối khẩn cấp của tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Philippines, mô tả mức độ tàn phá của bão Haiyan là điều chưa từng có đối với quốc gia Đông Nam Á này. Với 7.000 đảo, Philippines vốn hứng chịu nhiều thiên tai, trung bình khoảng 20 cơn bão/năm. Song, theo bà Reyes, bão Haiyan lần này như “một trận động đất dữ đội kèm theo đó là những cơn lũ lớn”.
Thống kê của Hội đồng Quản lý và giảm rủi ro thảm họa quốc gia (NDRRMC) công bố ngày 12-11 cho hay, có 1.774 người chết, 2.487 người khác bị thương và 82 người mất tích. NDRRMC lo ngại số người thiệt mạng sẽ tăng hơn nữa. Tuy nhiên, cũng có những quan ngại rằng, con số 10.000 người chết là chính xác. Ở các địa phương có bão đi qua, hơn 580.000 người bị mất nhà cửa, 41.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Theo LHQ, khoảng 660.000 người bị mất nhà cửa; nhiều người không có lương thực, nước uống và thuốc men.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng, bão Haiyan để lại những hình ảnh quá đau lòng. “LHQ sẽ thực hiện kế hoạch nhân đạo trên diện rộng và phân bổ 25 triệu USD cho việc cứu trợ”, ông Ban Ki-moon nói. Nhà lãnh đạo LHQ chia sẻ: “Tất cả chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Philippines vào lúc này”.
Trong khi đó, theo Lầu Năm Góc, tàu sân bay USS George Washington chở khoảng 5.000 thủy thủ và 80 máy bay cùng 4 tàu Hải quân khác của Mỹ dự kiến đến Philippines trong khoảng 2-3 ngày tới. Washington cũng viện trợ ngay cho các nạn nhân 20 triệu USD.
Một số nước khác như Anh và Úc đều gửi viện trợ đến Philippines. Tàu HMS Daring của Hải quân Anh đã rời Singapore và sẽ sớm có mặt ở bờ biển Philippines.
Nhật Bản hỗ trợ người châu Á 10 triệu USD. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, quyết định đưa quân đội đến Philippines để tham gia cứu hộ được đưa ra sau khi có đề nghị từ Manila. Các nước khác trong khu vực như Indonesia cam kết gửi 2 triệu USD, Trung Quốc gửi 100.000 USD…
Trong một thông điệp ngày 12-11, Hội Chữ thập đỏ Philippines bày tỏ sự cảm ơn đối với các tấm lòng của bạn bè quốc tế.
PHƯƠNG THẢO