Những ngày này, bầu không khí nước Pháp như muốn bùng nổ với làn sóng biểu tình lan rộng và các cuộc tranh cãi bất tận về chính sách của tổng thống và chính phủ. Người Pháp đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn với nhiều cuộc khủng hoảng đan xen: khủng hoảng xã hội, kinh tế, chính trị và niềm tin.
Biểu tình phản đối kế hoạch cải tổ hệ thống lương hưu tại Paris ngày 15-10. Ảnh:AFP/TTXVN |
Biểu tình lan rộng
Ngày 11-11 tại Khải hoàn môn, thủ đô Paris, nước Pháp kỷ niệm trọng thể 95 năm ngày Đình chiến đánh dấu Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918) kết thúc. Nhưng buổi lễ đã không trọn vẹn, vì đúng vào lúc kết thúc, khi xe của Tổng thống Francois Hollande chạy dọc đại lộ Champs-Elysée, khá đông người đứng ở hai bên đường đã la ó, thậm chí hô khẩu hiệu đòi ông từ chức. Cảnh sát đã phải can thiệp và bắt giữ tới 73 đối tượng quá khích.
Vụ việc đã gây phản ứng mạnh trong đời sống xã hội Pháp. Một bộ phận người dân phản đối việc biến một buổi lễ vinh danh những người đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập tự do của đất nước thành một cuộc biểu tình, nhưng số đông thì đồng ý. Họ cho rằng làn sóng phản đối chính phủ vốn âm ỉ từ lâu đã bùng phát thời gian qua và đang ngày càng lan rộng, nhưng Tổng thống Hollande và chính phủ của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault vẫn tuyên bố giữ nguyên quan điểm về các chính sách đang triển khai, điều đó khiến người dân phản ứng mạnh mẽ. Trong các phát biểu với báo chí, một số chính khách thậm chí đã đề cập đến việc thay đổi nội các.
Trên thực tế, các cuộc biểu tình dưới tên gọi phong trào “mũ đỏ” đã diễn ra từ nhiều tuần nay tại nhiều địa phương trên khắp vùng Bretagne. Người biểu tình đã rào chắn nhiều tuyến quốc lộ để đưa ra các yêu sách, đòi chính phủ hủy bỏ loại thuế mới - thuế sinh thái, mà bản chất là thu tiền lộ phí các loại xe trọng tải lớn chạy trên hệ thống đường quốc lộ vốn từ trước đến nay hoàn toàn miễn phí với tất cả các phương tiện giao thông.
Khi sự phản đối lên đến cực điểm, người biểu tình đã huy động cả máy kéo để kéo đổ nhiều trạm kiểm soát, đập phá camera giao thông. Không chỉ diễn ra tại Bretagne, phong trào phản đối nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh phía Bắc, xuống tận phía Nam với tỉnh Bouches-du-Rhône (vùng Côte d’Azur), qua Lyon và về đến tận cửa ngõ Paris.
Chính sách không đáp ứng kỳ vọng
Nếu thuế sinh thái là nguyên nhân trực tiếp gây nên cơn thịnh nộ của người dân thì sự yếu kém của chính phủ trong việc kiểm soát thâm hụt ngân sách, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện thị trường việc làm là nguyên nhân sâu xa làm người dân cảm thấy thất vọng.
Hiện tại, Pháp đang phải vật lộn để giảm thâm hụt ngân sách, đưa mức này về đúng quy định 3% của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, theo dự đoán, mức thâm hụt sẽ lên đến 4,1% vào cuối năm nay thay vì 3,7% như dự báo lúc đầu.
Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy lòng tin vào Tổng thống và Thủ tướng Pháp tiếp tục sụt giảm, chỉ còn 21%, phá vỡ các kỷ lục về uy tín thấp của nền Cộng hòa thứ năm.
Câu hỏi đặt ra trong mấy ngày gần đây là: cần thay đổi chính sách hay người thực hiện chính sách. Vấn đề đi hay ở của người đứng đầu chính phủ không còn là điều cấm kỵ khi ngay cả một số nghị sỹ của đảng Xã hội cầm quyền đã công khai lên tiếng đòi Thủ tướng Jean-Marc Ayrault từ chức.
Tuy nhiên giới phân tích nhận định cải tổ nội các sẽ không diễn ra trước cuộc bầu cử Hội đồng địa phương cuối tháng 3/2014. Từ nay đến thời điểm đó không còn lâu, nhưng vấn đề mấu chốt hiện nay là, liệu chính phủ có đủ khả năng chịu được sức ép của một bộ phận lớn người dân hay không, nhất là khi trên đường phố, ngày càng nhiều cuộc biểu tình đã lên sẵn kế hoạch? Nếu đồ thị tỷ lệ thất nghiệp không được đảo chiều từ nay đến cuối năm như lời hứa mà Tổng thống đưa ra từ đầu năm thì không ai dám chắc rằng việc thay đổi nội các không nằm trong kịch bản của ông Hollande.
Tin Tức