.

Philippines tan hoang vì siêu bão Haiyan

.

Siêu bão Haiyan được ví như cơn sóng thần năm 2004 đổ vào miền Trung Philippines ngày 9-11. Số người chết được cho là lên đến 10.000 người.

Những ngôi nhà chỉ còn là đống đổ nát ở thành phố Tacloban. Ảnh: Reuters
Những ngôi nhà chỉ còn là đống đổ nát ở thành phố Tacloban. Ảnh: Reuters

Văn phòng điều phối nhân đạo của LHQ cho hay, hơn 330.900 người mất nhà cửa và tổng cộng 4,3 triệu người ở 36 tỉnh của Philippines bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan.

70 - 80% Tacloban bị san phẳng

Ngày 10-11, Giám đốc Sở cảnh sát Leyte, Elmer Soria, cho biết bão Haiyan mang theo những cơn sóng lớn cuốn trôi toàn bộ các ngôi làng ven biển và phá hủy Tacloban - thủ phủ của tỉnh này. Reuters dẫn lời Elmer Soria rằng, số người chết ở Tacloban - cách thủ đô Manila 580km về phía đông nam- ít nhất là 10.000 người, hầu hết do chết đuối và nhà bị đổ sập. “Sự tàn phá quá lớn”, Elmer Soria nói. Thành phố Tacloban bị san phẳng từ 70-80%. Đảo Samar gần đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề với 300 người chết và khoảng 2.000 người khác mất tích.

Theo AP, ngày 10-11, 6.000 du khách nước ngoài và du khách địa phương bị kẹt lại ở hòn đảo Boracay, đảo nhỏ ở Philippines, cách thủ đô Manila 315km về phía nam. Đây cũng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nằm trên đường đi của bão Haiyan.

Nếu các con số trên được xác nhận thì đây sẽ là thảm họa thiên tai có số người thiệt mạng kỷ lục ở Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin kể, chính Tổng thống Benigno Aquino đã không nói nên lời khi được nghe báo cáo về sự tàn phá của bão Haiyan ở Tacloban. Ông Gazmin nói: “Không có điện, không có nước, không có mọi thứ. Mọi người đang tuyệt vọng. Họ đang cướp bóc”.

Trong khi đó, chính phủ và cơ quan thảm họa quốc gia vẫn chưa chính thức xác định số người thiệt mạng nhưng các nhà chức trách cho biết, con số này tăng cao so với ước tính ban đầu 1.000 người chết. Đến Tacloban từ trước khi bão Haiyan đổ vào thành phố này, Bộ trưởng Nội vụ Manuel Roxas nói rằng, từ máy bay trực thăng nhìn xuống sẽ thấy mức độ tàn phá của bão Haiyan. “Nó như một cơn sóng thần. Tôi không biết phải mô tả như thế nào về những gì tôi thấy. Thật quá khủng khiếp”, Bộ trưởng Manuel Roxas nói.

Khi bão đi qua, ở Tacloban là cảnh hoang tàn với cây cối ngổn ngang, nhà cửa chỉ còn là những đống đổ nát; cảnh người dân than khóc khi tìm thấy thi thể của người thân…

Theo Reuters, những người sống sót ở Tacloban đi lại để tìm kiếm thức ăn như những zombie (xác chết di động). Trên các trang mạng xã hội, nhiều người kêu gọi cầu nguyện và viện trợ cho những người sống sót.

Trong tình trạng không điện, không nước và tình trạng cướp bóc diễn ra, hàng trăm người tập trung tại sân bay tìm cách rời khỏi Tacloban, trong khi chính sân bay quốc tế ở địa phương này cũng bị thiệt hại nặng nề.

Philippines kêu gọi trợ giúp

Cũng trong ngày 10-11, chính phủ Philippines bắt đầu hoạt động cứu trợ lớn cho các nạn nhân bão Haiyan. Có mặt ở vùng tâm bão Tacloban, Tổng thống Benigno Aquino khẳng định chính phủ ưu tiên khôi phục điện, thông tin liên lạc ở những khu vực bị cô lập để đưa hàng cứu trợ và các trợ giúp y tế đến các nạn nhân. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Philippines Richard Gordon nói rằng, quốc gia Đông Nam Á này không đủ nguồn lực để tự đối phó với một thảm họa lớn như thế, mà cần sự hỗ trợ của Mỹ, các chính phủ và cơ quan khác.

Theo yêu cầu của Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trực tiếp điều trực thăng, tàu và các thiết bị tìm kiếm cứu nạn trên biển. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho biết, thông điệp gửi Tổng thống Philippines nêu rõ: EC cử một đội đến hỗ trợ các nhà chức trách Philippines. New Zealand và Úc cũng thông báo cứu trợ ngay 490.000 USD cho Philippines.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ cảm thông và khẳng định các quan quan nhân đạo của LHQ đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Philippines để hỗ trợ nhanh chóng cho các nạn nhân. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ước tính, khoảng 1,7 triệu trẻ em ở các khu vực bị ảnh hưởng bão Haiyan. Đoàn cứu trợ của UNICEF tại Copenhagen sẽ đến Philippines vào ngày mai (12-11).

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.