.

Sự kỳ thị của người Úc

.

Người dân Úc vẫn luôn tự hào về nền văn hóa đa nguyên, đặc sắc và thân thiện của mình. Hiếu khách và thân ái là vậy nhưng người Úc ngày nay vẫn giữ một khoảng cách rất xa trong mối quan hệ với chính người Úc bản địa (Aboriginal Australians).

Có nền văn hóa đa nguyên và thân thiện nhưng người Úc ngày nay vẫn giữ một khoảng cách rất xa trong mối quan hệ với chính người Úc bản địa.                 Ảnh: MAI TRANG
Có nền văn hóa đa nguyên và thân thiện nhưng người Úc ngày nay vẫn giữ một khoảng cách rất xa trong mối quan hệ với chính người Úc bản địa. Ảnh: MAI TRANG

Nước Úc thường được ví von là “nồi lẩu”, bởi đây là nơi hội tụ nền văn hóa từ khắp nơi trên thế giới. Chỉ riêng thành phố Sydney đã là nơi gặp gỡ của người đến từ 180 quốc gia, nói 140 thứ tiếng và là một trong những thành phố có nền văn hóa đa sắc màu nhất trên thế giới.

Tổ tiên của người Úc bản địa được cho là đã đến và khai phá vùng đất này từ hàng ngàn năm trước. Đến thế kỷ thứ 16, người châu Âu bắt đầu thám hiểm châu Úc và kiểm soát hầu hết các lục địa Úc vào thế kỷ 19. Vùng đất này từng được xem là lời giải cho bài toán quá tải của nhà tù Anh Quốc. Sự định cư vĩnh viễn của người châu Âu ở Sydney từ năm 1788 đã đồng hóa và khiến ngôn ngữ của nhiều tộc người bản địa tuyệt chủng. Không chỉ bị mất ngôn ngữ, kiến thức, âm nhạc, văn hóa và nghệ thuật, người Úc bản địa - người chủ nguyên thủy của nước Úc - còn bị xem thường và gánh chịu rất nhiều bất công trên chính mảnh đất của mình hơn 2 thế kỷ qua bởi người da trắng.

Giai đoạn từ năm 1910-1970, hơn 10.000 trẻ em bản địa thậm chí còn bị chính phủ tách khỏi gia đình, cộng đồng của mình để phục vụ cho chính sách đồng hóa của chính quyền da trắng. Nhà sử học Robert Manne đã gọi đây là “hành động đáng hổ thẹn nhất của Úc trong thế kỷ 20”. Những đứa trẻ này được gọi bằng một danh từ chung là “Thế hệ bị đánh cắp” - những người chịu nhiều thống khổ, đau đớn và tổn thương khi phải bỏ lại gia đình và gần như không nhận được sự giáo dục phù hợp, nguyên nhân dẫn đến cái vòng luẩn quẩn: thất nghiệp, nghiện ngập, phạm tội, đồng hóa…

Đến thăm gia đình bà B. Nabarula, một người Úc bản địa, nhìn dáng ngồi trầm mặc của bà bên bậu cửa, tôi không thể tin người phụ nữ này mới chỉ 56 tuổi. Dường như toàn bộ lo lắng về cuộc sống bấp bênh lặn vào khuôn mặt khắc khổ, những suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai đang đè nặng lên vai bà. Bà chia sẻ về nỗi buồn khi mang cảm giác đang sống tạm, sống gửi trên chính mảnh đất ông cha bà khai phá. Bà đau buồn khi nhắc đến nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới nhưng giờ đây dường như “được” người Úc đánh giá là vô giá trị.

Bà B. Nabarula nói: “Đời sống tinh thần của chúng tôi bị từ chối và chế giễu, chúng tôi phải chịu đựng sự bất công, kỳ thị, con cháu chúng tôi không có môi trường giáo dục phù hợp. Mặc dù cháu của tôi hay của tất cả những người bản địa ngày nay không còn bị buộc phải xa gia đình nữa, nhưng những bậc cha mẹ nghèo khó, nghiện rượu của “thế hệ bị đánh cắp” không có khả năng nuôi dưỡng con cái mình. Chúng tôi buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ, thậm chí tự nguyện gửi con hoặc bí mật để con trước cửa nhà của người da trắng. Vòng quay đồng hóa lại được xoay tròn, xoay tròn và chẳng mấy chốc, những gì còn lại cho người bản địa chúng tôi chỉ là hồi ức đau buồn”.

Hiện nay, chỉ có hơn 500.000 người bản địa ở Úc, chiếm 1,6% tổng dân số nước này. Tuổi thọ của thổ dân người Úc ít hơn người Úc không bản địa từ 16-18 tuổi, tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao gấp 2-3 lần, tỷ lệ thất nghiệp của người Úc bản địa cao gấp 3 lần và thu nhập lại thấp hơn đến 2/3 so với mức trung bình của quốc gia.

Giảng viên Trường ĐH New South Wales, bà Lorraine Burdett cho rằng, thật đáng suy nghĩ khi những người thổ dân sống trong một quốc gia tiên tiến như Úc lại mang đầy đủ những vẫn đế về sức khỏe như ở đất nước thuộc thế giới thứ ba. Chính phủ cần đưa ra các giải pháp, chính sách để nhanh chóng cải thiện điều kiện sống, học tập và y tế hơn là việc chỉ dừng lại ở những lời xin lỗi gửi đến các thế hệ thổ dân bản địa. Không thể chối cãi rằng, lời xin lỗi của người đứng đầu chính quyền Úc là hết sức cần thiết trong việc xoa dịu nỗi đau trong quá khứ. Tuy nhiên, với những bất công, đau khổ mà người Úc bản địa đã phải chịu đựng thì lời nói là chưa đủ, điều họ cần là hành động thiết thực.

Được sống và cảm nhận nhịp sống hối hả của người dân Úc, được lắng nghe và thấu hiểu những rào cản, khoảng cách chưa vượt qua được giữa người Úc và người thổ dân bản địa, đa phần các du học sinh Việt Nam đều cảm thấy tự hào khi nhìn về đất nước mình - nơi trải qua vô số các cuộc chiến tranh và sự chia cắt hai miền lãnh thổ nhưng 54 dân tộc anh em vẫn luôn hợp thành khối đại đoàn kết vững bền. Điều này thể hiện trong thời chiến tranh và cả trong thời bình. Đáng trân trọng biết bao khi đời sống vật chất, tinh thần, các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng bảo tồn và phát huy. Đáng tự hào biết bao khi 54 dân tộc trong đại gia đình Việt Nam luôn bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.