.

Thỏa thuận "bất đắc dĩ" cho Afghanistan

.

Thỏa thuận an ninh song phương (BSA) với Mỹ là cơ hội mang lại sự ổn định cho Afghanistan. Tổng thống Hamid Karzai nói như vậy khi sứ mệnh chiến đấu của NATO sắp kết thúc vào năm 2014.

Sinh viên Afghanistan biểu tình chống Mỹ ở Jalalabad.                                             Ảnh: AP
Sinh viên Afghanistan biểu tình chống Mỹ ở Jalalabad. Ảnh: AP

Thỏa thuận mà Mỹ ký kết với Afghanistan vào ngày 20-11 được cho là sẽ định hình sự hiện diện quân sự trong tương lai của Washington ở quốc gia Nam Á này.

Theo đó, đến cuối năm 2014 sẽ có từ 10.000-15.000 binh sĩ nước ngoài ở lại Afghanistan. Ngoài các binh sĩ Mỹ còn có sự tham gia của các nước thành viên khác thuộc NATO và một số quốc gia Hồi giáo. Nếu không có BSA, Mỹ sẽ rút hết các binh sĩ và để lực lượng Afghanistan đơn độc chống lại Taliban.

BSA sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đến hết năm 2024, thậm chí kéo dài hơn nữa. Quân đội Mỹ sẽ được toàn quyền sử dụng căn cứ không quân Bagram ở phía bắc Kabul và dùng chung 8 căn cứ khác trên toàn lãnh thổ Afghanistan. Tổng thống Hamid Karzai gọi “cái bắt tay” lần này có được sau nhiều tháng đàm phán khó khăn là “cơ hội mang lại sự ổn định cho đất nước vốn bị chiến tranh tàn phá”.

Song, theo Reuters, thỏa thuận nói trên không phản ánh được sự liên kết chặt chẽ giữa Mỹ và Afghanistan. Tổng thống Karzai không ngần ngại khi nói rằng, ông không tin tưởng Mỹ nhưng ông cần có một hiệp định như thế. “Tôi không tin họ và họ không tin tôi”, Tổng thống Karzai nói. Nhà lãnh đạo này cũng cho biết, trong suốt 10 năm qua, ông đã chống lại Mỹ và Washington cũng tuyên truyền chống lại ông.

Ông Karzai có mặt trong cuộc họp của Hội đồng quốc gia gồm các bô lão, lãnh đạo và những người có ảnh hưởng của Afghanistan (gọi là Hội đồng Loya Jirga) ngày 21-11. Ông mong muốn thuyết phục các bô lão và các lãnh đạo chính trị ủng hộ hiệp định an ninh mang tính sống còn với Mỹ.

Hội đồng Loya Jirga có từ 4-5 ngày để thông qua BSA. Sau đó, văn bản này sẽ phải được đưa ra trình Quốc hội Afghanistan. Trong lúc đó, Taliban dọa sẽ nhằm vào các phái đoàn của Loya Jirga nếu họ phê chuẩn BSA. Trong năm nay, Taliban gây ra bạo lực nghiêm trọng chưa từng có ở Afghanistan kể từ năm 2010 đến nay, theo đánh giá của LHQ. Tuần trước là một vụ đánh bom liều chết xảy ra ở gần khu vực các bộ tộc, làm 12 người chết, hầu hết là thường dân.

Song, theo các nhà phân tích, BSA là minh chứng cho thấy sự nhượng bộ đáng kể của Tổng thống Hamid Karzai đối với Mỹ. Cụ thể, quân đội Mỹ được hưởng quyền miễn trừ trước luật pháp Afghanistan; lính Mỹ được tự do tiến hành các chiến dịch quân sự, được quyền khám xét các nhà thờ và nhà dân ở quốc gia Nam Á này… Những vấn đề này vốn gây tranh cãi trên bàn đàm phán nhưng nay đã được Kabul chấp nhận. Hơn nữa, thỏa thuận đi ngược lại với mong muốn làm chủ của Afghanistan sau 12 năm xảy ra cuộc chiến tranh do Mỹ dẫn đầu.

Đầu tuần trước, hầu như không có hy vọng cho một thỏa thuận an ninh giữa Mỹ và Afghanistan bởi Tổng thống Karzai không đồng ý với những yêu cầu của cường quốc từ bên kia đại dương. Song, ông nhấn mạnh rằng, dù có BSA, vai trò của quân đội Mỹ sau năm 2014 sẽ bị hạn chế, cụ thể là chỉ có vai trò đào tạo và hỗ trợ, chứ không có vai trò chiến đấu.

Trong lúc này, người dân Afghanistan vẫn xuống đường chống lại sự hiện diện của Mỹ. Còn Ngoại trưởng John Kerry bác bỏ khả năng Washington sẽ xin lỗi Kabul về những thương vong của người dân và điều này có thể làm dấy lên phản ứng tức giận của chính người Mỹ.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.