.

Thủ tướng Thái Lan muốn hàn gắn đất nước

.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho rằng, dự luật ân xá sẽ tạo sự thống nhất đất nước sau nhiều năm khủng hoảng chính trị, mà đỉnh cao là các cuộc biểu tình áo đỏ đẫm máu vào năm 2010.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu với báo giới tại Văn phòng chính phủ ở Bangkok, khẳng định dự luật ân xá mang tính hòa giải dân tộc. Ảnh: AFP
Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu với báo giới tại Văn phòng chính phủ ở Bangkok, khẳng định dự luật ân xá mang tính hòa giải dân tộc. Ảnh: AFP

Dự luật ân xá được Hạ viện thông qua vào cuối tuần qua và sẽ được thảo luận tại Thượng viện vào tuần tới. Dự luật gây nhiều tranh cãi này đang làm chính trường Thái Lan nổi sóng, nhất là khi xảy ra các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn với sự tham gia của hơn 32.000 người từ ngày 4-11. Phe đối lập lo ngại dự luật ân xá nếu được thông qua và trở thành luật sẽ cho phép cựu Thủ tướng đang lưu vong Thaksin Shinawatra trở về nước.

Ngày 5-11, bà Yingluck xuất hiện trước công chúng, kêu gọi người dân hiểu về dự luật ân xá, đồng thời thúc giục “sự tha thứ” sau nhiều năm xảy ra xung đột trong nước. Phát biểu của nữ Thủ tướng được phát sóng trên Đài truyền hình nhà nước Thái Lan. Theo đó, bà nói rằng, dự luật ân xá là điều cần thiết để thống nhất đất nước, hàn gắn xã hội đang chia rẽ. “Kể từ khi chính phủ này nắm quyền đã chú trọng đến việc hòa giải dân tộc”, bà Yingluck khẳng định.

AFP dẫn lời nữ Thủ tướng rằng, ân xá không phải là quên đi những bài học đau thương mà học để những nỗi đau đó không lặp lại đối với thế hệ trẻ. “Nếu mọi người học cách tha thứ thì đất nước sẽ tiến lên phía trước”, bà Yingluck nói.

Bà Yingluck bày tỏ mong muốn các nghị sĩ Hạ viện sẽ chấp nhận quyết định của Thượng viện, dù Thượng viện quyết định như thế nào đi nữa: bác bỏ hoặc sửa đổi dự luật. Thủ tướng đương nhiệm cũng nhấn mạnh bà không muốn dùng dự luật ân xá như một công cụ tạo ra tranh chấp.

Thực tế, kể từ khi Quốc hội tranh cãi về dự luật ân xá vào tuần trước, các cuộc biểu tình đã diễn ra. Song, đỉnh điểm là ngày 4-11, hơn 32.000 người tập trung tuần hành khắp thủ đô Bangkok nhằm gia tăng áp lực đối với chính phủ của bà Yingluck. Không những thế, các cuộc tuần hành nhỏ cũng diễn ra ở một số thị trấn. Ngày 5-11, các giảng viên và sinh viên Đại học Chulalongkorn cũng tập trung biểu tình ở trung tâm Bangkok.

Một số người thuộc phe áo đỏ muốn đòi công bằng cho cái chết của hơn 90 người biểu tình trên đường phố Bangkok vào năm 2010 đã và đang phản ứng tức giận với dự luật ân xá. Trong khi đó, các nhóm nhân quyền cảnh báo việc ân xá sẽ xóa sạch những tội lỗi trong quá khứ. 7 năm sau khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính, đến nay ông Thaksin vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn trên chính trường Thái Lan.

Cựu tỷ phú truyền thông sống lưu vong ở Dubai nhằm tránh bản án 2 năm tù giam vì tội tham nhũng khi ông bị kết án vắng mặt tại Thái Lan vào năm 2008. Tuy nhiên, ông Thakin - cũng là anh trai của Thủ tướng đương nhiệm Yingluck - cho rằng bản án này mang động cơ chính trị. Bà Yingluck cũng bác bỏ việc ông Thaksin sẽ được trả lại 46,4 tỷ baht (1,48 tỷ USD) mà các tòa án đã thu giữ của ông trong năm 2010.  

Dự kiến Thượng viện nhóm họp vào ngày 11-11. Bloomberg dẫn lời 2 trong số 150 thành viên của cơ quan lập pháp này cho biết, hơn 50% số nghị sĩ sẽ bác bỏ dự luật ân xá.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.