.

Trọng trách của Ngoại trưởng Kerry

.

Chuyến công du 8 nước Trung Đông và Bắc Phi từ ngày 3-11 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cho là chuyến đi “khắc phục hậu quả” sau những rạn nứt giữa Washington với các khu vực này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Rome (Ý) ngày 23-10. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Rome (Ý) ngày 23-10. Ảnh: AP

Đây là chuyến công du nước ngoài thứ 17 của ông Kerry kể từ khi giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 2 vừa qua và sẽ trở về Washington vào ngày 12-11 tới. Chuyến đi marathon này sẽ là những chặng dừng chân tại Ai Cập, Saudi Arabia, Ba Lan, Israel, Jordan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Algeria và Maroc.

Giới quan sát đặc biệt quan tâm đến sự hiện diện của ông Kerry tại Ai Cập và Saudi Arabia. Báo chí Ai Cập cho biết, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đến Cairo vào ngày 3-11. Lần đầu tiên ông Kerry có mặt ở Cairo khi Mỹ “đóng băng” một phần trong khoản viện trợ 1,5 tỷ USD hằng năm cho quốc gia này do tức giận trước sự khủng hoảng chính trị xuất phát từ việc Tổng thống Mohamed Mursi bị lật đổ.

Theo AFP, chính phủ Mỹ vốn bày tỏ quan ngại về tình hình ở Ai Cập, kêu gọi phóng thích ông Mursi và kết thúc các phiên tòa mang bất kỳ động cơ chính trị nào. Sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Mỹ với Ai Cập không những dẫn đến hệ quả là Washington cắt viện trợ hằng năm mà còn ngừng các kiện hàng lớn như: các máy bay Apache, các máy bay chiến đấu F-16, xe tăng M1A1 Abrams và các tên lửa Harpoon. Tuy nhiên, hãng thông tấn MENA của Ai Cập cho hay, Ngoại trưởng Kerry chỉ lưu lại Ai Cập trong một vài giờ và các nhà quan sát cũng không kỳ vọng “hậu quả sẽ được khắc phục” chỉ trong một vài tiếng đồng hồ đó.

Trong khi đó, tại Saudi Arabia cùng ngày, ông Kerry có cuộc đối thoại không dễ dàng gì với Quốc vương Abdullah. Quốc gia Trung Đông này vốn chẳng bằng lòng với Mỹ khi Washington chủ trương quay lưng với Ai Cập, ôn hòa với Iran và “nhẹ tay” với Syria.

Quốc vương Abdullah vốn xem tổ chức Huynh đệ Hồi giáo là mối đe dọa nên đã nhanh chóng cam kết hỗ trợ tài chính 5 tỷ USD cho quân đội mới của Cairo. Đối với Syria, cuộc nội chiến kéo dài 13 tháng qua cũng là hòn đá lớn trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ. Saudi Arabia ủng hộ các phiến quân đối lập ở Syria trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Việc Saudi Arabia bất ngờ từ chối chiếc ghế lần đầu có được ở Hội đồng Bảo an LHQ hồi đầu tháng 10 vừa qua chẳng qua là động thái biểu hiện sự không hài lòng với Mỹ trong cách xử trí vấn đề Syria, chứ không hẳn là sự bất bình với cơ quan LHQ. Quốc vương Abdullah cũng chính là người quyết định rút lui khỏi Hội đồng Bảo an nên việc “vỗ về” nước này là trọng trách không hề đơn giản.

Ba Lan sẽ là chặng dừng chân rất ngắn của ông Kerry. Song, theo các nhà phân tích, áp lực với Ngoại trưởng Mỹ sẽ không hề ít khi cường quốc hàng đầu thế giới đứng trước cáo buộc do thám các đồng minh châu Âu. Đến nay, Mỹ vẫn chưa đưa ra lời giải thích phù hợp nào về chương trình do thám rộng khắp này, trong khi những thông tin bí mật vẫn tiếp tục bị rò rỉ, tạo nên sự chấn động toàn cầu từ Mỹ lan sang Âu rồi sang Á về những bê bối tình báo của các quốc gia.

Đến Israel, Ngoại trưởng Kerry dự kiến sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Tel Aviv và Palestine để bàn thảo về tiến trình hòa bình ở Jerusalem cũng như Bethlehem. Sau đó, ông Kerry sẽ đến Algeria và Maroc, kết thúc chuyến công du 9 ngày ở 8 nước.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.