.

Tuyệt vọng chờ viện trợ

.

Thêm 8 người chết vào ngày 12-11 khi rất đông người sống sót trong siêu bão Haiyan đổ xô cướp kho gạo cứu trợ của chính phủ ở thị trấn Alangalang, cách thành phố Tacloban 17km. Nỗi đau chồng chất nỗi đau.

Người dân tập trung ở sân bay Tacloban chờ được sơ tán với hy vọng và cả sự tuyệt vọng. 			    Ảnh: AP
Người dân tập trung ở sân bay Tacloban chờ được sơ tán với hy vọng và cả sự tuyệt vọng. Ảnh: AP

Người phát ngôn Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA) Rex Estoperez cho biết, một bức tường của nhà kho đổ sập, đè chết 8 người. Cảnh sát và binh sĩ đành bất lực nhìn các nạn nhân bão mang đi 100.000 bao gạo cứu đói. AP mô tả người dân Tacloban đang rơi vào tuyệt vọng khi đối mặt với tình trạng không có lương thực, nước sạch, thuốc men cùng các vật dụng thiết yếu khác. Họ phải uống nước cống, nước biển…

Hoảng loạn

5 ngày sau khi cơn bão Haiyan tàn phá miền Trung Philippines, tình hình ở Tacloban càng nghiêm trọng. Việc có thêm 8 người thiệt mạng khi cướp kho gạo làm những người sống sót thêm hoảng loạn. Hiện còn nhiều nhà chứa gạo khác trong thành phố để cứu đói cho dân nhưng các nhà chức trách không tiết lộ thông tin. Trong lúc đó, tình trạng xô đẩy vẫn đang diễn ra ở sân bay Tacloban và các địa điểm khác.

“Mọi thứ đang hoảng loạn”, AP dẫn lời bác sĩ hải quân Emily Chang nói. Bà Chang xác nhận những người tập trung ở sân bay đều không có lương thực, không nước uống và muốn rời khỏi thành phố chết này.

Các nhân viên cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được những thị trấn và những ngôi làng xa xôi. Sự chờ đợi viện trợ làm các nạn nhân tuyệt vọng. Đài truyền hình ABS-CBN phát sóng hình ảnh một phụ nữ ẵm một đứa trẻ 5 tháng tuổi đã chết tại bệnh viện. Trước bão Haiyan, con của chị bị ốm. Sau bão, chị tìm kiếm thuốc để chữa trị cho con nhưng không có gì cả. Đứa trẻ tội nghiệp này bị co giật và đã chết. “Chúng tôi có thể giải quyết các vấn đề của mình như thế nào đây? Chúng tôi muốn trở về nhà”, người phụ nữ này nói.

Theo người đứng đầu Tacloban John Lim, 90% thành phố vốn có 220.000 dân đã bị bão tàn phá và chỉ 20% số người sống sót nhận được viện trợ. Thực tế, nhu cầu cứu hộ, cứu trợ vượt quá khả năng của chính phủ Manila.

Hàng trăm binh sĩ và cảnh sát Philippines tuần tra trên đường phố, đồng thời chốt ở các điểm tại Tacloban để ngăn chặn tình trạng cướp bóc.

Phóng đại số người chết?

Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng, các nhà chức trách địa phương đã phóng đại số người chết do bão Haiyan. Theo ông, số người thiệt mạng từ 2.000-2.500 người, chứ không phải 10.000 người. Nhà lãnh đạo này cho biết, chính phủ của ông vẫn đang thu thập thông tin từ các khu vực bị ảnh hưởng bão và số người chết có thể tăng lên. “Tôi nghĩ rằng, hàng ngàn người chết đã là quá nhiều”, ông Aquino nói khi trả lời phỏng vấn CNN. Chánh văn phòng nội các Rene Almendras cũng xác nhận rằng, các nhà chức trách đã phóng đại số người chết.

Đến chiều 13-11, chính phủ cho biết, có 2.275 người chết và 80 người khác mất tích.

Tuy nhiên, một số nhân viên cứu trợ không tin vào con số do ông Aquino đưa ra. Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Philippines Gwendolyn Pang nói rằng, số người chết có lẽ cao hơn vì còn nhiều khu vực mà các nhà chức trách không thể tiếp cận được.

Công bố mới nhất của LHQ cho hay, có khoảng 11 triệu người bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan và 670.000 người bị mất nhà cửa. Đang ở Philippines, Giám đốc viện trợ của Mỹ Valerio Amos, đau xót khi nói rằng quy mô tàn phá của bão Haiyan thật sự gây sốc.

Các quan chức Mỹ xác định việc cung cấp lương thực, nước sạch và thuốc men cho những khu vực bị ảnh hưởng thảm họa là ưu tiên hàng đầu; bên cạnh đó là vấn đề vệ sinh môi trường và nơi trú ẩn cho các nạn nhân. Hơn 250 binh sĩ Mỹ đã có mặt tại Philippines vào ngày 13-11.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các đội từ Bỉ, Nhật Bản, Israel và Na Uy đã đến Philippines, thiết lập các bệnh viện dã chiến. Các nước khác được cho là sẽ cung cấp nhân viên y tế cho Philippines.

Còn Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực LHQ (FAO) cũng kêu gọi cộng đồng thế giới hỗ trợ khẩn cấp cho ngành nông-lâm-ngư nghiệp của Philippines. FAO ước tính sơ bộ cần phải có 24 triệu USD để khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp. LHQ ước tính cần có 300 triệu USD cho 700.000 người đang trở nên vô gia cư.

PHƯƠNG THẢO
 

;
.
.
.
.
.