Cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều triệu đại sứ của nhau để bày tỏ sự phản đối. Tokyo phản đối Bắc Kinh lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Còn Bắc Kinh tức giận khi bị Tokyo và Washington chỉ trích.
Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa trả lời báo giới sau khi ông gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki ở Tokyo. Ảnh: Reuters |
Căng thẳng trên biển Hoa Đông lại dấy lên với tâm điểm là ADIZ - khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thành lập vào cuối tuần qua, để từ đó có thể có hành động cứng rắn với tàu thuyền, vật thể và bắn hạ máy bay không tuân thủ các quy định.
“Động thái nguy hiểm”
Ngày 25-11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mô tả động thái của Trung Quốc là “cực kỳ nguy hiểm”. Tuyên bố của ông Abe được đưa ra sau khi Mỹ khẳng định sẽ sát cánh với Nhật Bản nếu xảy ra bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Abe bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho rằng, hành động của Trung Quốc sẽ dẫn đến những hệ quả ngoài ý muốn. “Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc tự kiềm chế trong lúc chúng tôi tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế”, AFP dẫn lời ông Abe nói. Đây cũng là những phát biểu đầu tiên của nhà lãnh đạo Nhật Bản kể từ khi Trung Quốc thiết lập ADIZ với yêu cầu tất cả các máy bay đi qua không phận này phải tuân thủ các quy định của Bắc Kinh. Khi công bố các quy định mới, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cam kết sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Theo đó, các máy bay sẽ phải cung cấp kế hoạch chuyến bay, quốc tịch, duy trì thông tin liên lạc điện đàm hai chiều…
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay, Tokyo sẽ không tôn trọng “phân giới cắm mốc” của Trung Quốc và việc “khoanh vùng” như thế không có hiệu lực gì đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả động thái của Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xung đột và bày tỏ quan ngại. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói rằng, tự do hàng không là cần thiết cho sự ổn định và an ninh ở Thái Bình Dương.
Trung Quốc phản ứng
Cũng trong ngày 25-11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc trao công hàm phản đối chính thức tới hai Đại sứ quán Mỹ và Nhật Bản ở Bắc Kinh nhằm phản ứng việc hai nước này đã chỉ trích ADIZ. Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân cho rằng, những chỉ trích của Washington và Tokyo là “thiếu trách nhiệm và vô căn cứ”, đồng thời kêu gọi cường quốc hàng đầu thế giới ở bên kia đại dương không đứng về phía Tokyo trong vấn đề tranh chấp đảo trên biển Hoa Đông. “Nhận định của Nhật Bản là vô lý. Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận”, tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.
Theo lý giải của ông Dương Vũ Quân, mục đích của Bắc Kinh là “bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh không phận, duy trì trật tự các chuyến bay và đây cũng là sự diễn tập phòng vệ hiệu quả”. Ngoài ra, Trung Quốc còn khẳng định các quy định mới sẽ không ảnh hưởng đến “những hoạt động bình thường” của các chuyến bay quốc tế. Báo Global Times (Trung Quốc) cũng chỉ trích phản ứng của Nhật Bản, cáo buộc Tokyo “hành xử hai mặt” khi thiết lập ADIZ cách Nga 50 km và Trung Quốc 130 km.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đỉnh điểm từ tháng 9-2012 khi chính phủ Tokyo quốc hữu hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo này.
Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều có những động thái “mèo vờn chuột”, khi các tàu và máy bay của mỗi bên thường xuất hiện tại khu vực tranh chấp. Theo các nhà quan sát, sự hiện diện thường xuyên của quân đội hai nước đặt ra vấn đề: nếu có sự tính toán sai lầm hoặc một vụ tai nạn nào đó xảy ra thì có thể nhanh chóng tạo nên xung đột.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ nêu vấn đề vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông tại các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng quốc phòng với Trung Quốc ở thủ đô Seoul vào 28-11. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, ADIZ có những phần chồng lấn với vùng nhận diện phòng không của Hàn Quốc trong khu vực phía tây đảo Jeju, cụ thể là đảo đá chìm Ieodo. |
PHÚC NGUYÊN