Sau khi được bắt đầu, phiên tòa xét xử Tổng thống bị lật đổ của Ai Cập Mohamed Mursi phải tạm hoãn do các bị cáo từ chối mặc trang phục tù nhân.
Những người ủng hộ ông Mohamed Mursi biểu tình trước tòa án hiến pháp tối cao ở Cairo.Ảnh: AP |
Phiên tòa xét xử ông Mursi ngày 4-11 tại thủ đô Cairo được cho là phép thử của sự dân chủ, khi chính phủ do quân đội hậu thuẫn tuyên bố đây là một phần của chiến dịch dẹp bỏ phong trào Huynh đệ Hồi giáo. Phiên tòa không được phát sóng trên truyền hình nhà nước. Các nhà báo cũng bị cấm mang điện thoại vào phòng xử án. Phiên tòa dự kiến tạm hoãn đến hết ngày 4-11 (giờ địa phương).
Ông Mursi cùng tổng cộng 14 nhân vật cấp cao của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ra tòa, đối mặt với cáo buộc kích động bạo lực giết hại những người biểu tình ở bên ngoài dinh thự Tổng thống vào năm 2012.
Từ khi bị lật đổ vào ngày 3-7 đến nay, số phận của ông Mursi - vị Tổng thống được dân bầu đầu tiên ở Ai Cập - vẫn là dấu hỏi. Người dân ở quốc gia Trung Đông này không biết nơi giam giữ ông, cũng không tiên đoán được ông sẽ bị tuyên bản án nào nếu bị kết tội: chung thân hay tử hình. Reuters cho biết, đây là lần đầu tiên ông Mursi xuất hiện trước công chúng kể từ lúc bị giam giữ và là lần thứ hai trong vòng hơn 2 năm qua một tổng thống bị lật đổ của Ai Cập phải ra hầu tòa. Tại nơi xét xử ông Mursi cũng từng diễn ra các phiên xử cựu Tổng thống Hosni Mubarak vì cáo buộc giết hại những người biểu tình.
Trong suốt 4 tháng bị giam giữ, ông Mursi không được gặp luật sư và chỉ ít nhất 2 lần được nói chuyện với gia đình. Ra tòa lần này, ông Mursi bày tỏ phản ứng tức giận và nói rằng ông là Tổng thống hợp pháp duy nhất ở Ai Cập. “Phiên tòa này là bất hợp pháp”, ông nói.
An ninh được thắt chặt trên khắp đất nước. Trong khi đó, lực lượng thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo tuyên bố sẽ không ngừng các cuộc biểu tình trên đường phố, gây áp lực để quân đội khôi phục quyền lực cho ông Mursi. Những người biểu tình cũng mang theo các biểu ngữ chống Tư lệnh quân đội - Tướng Abdel-Fattah el-Sissi, người đứng đầu trong vụ đảo chính hồi tháng 7.
Cuộc cách mạng mùa xuân Arab lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2011 làm gia tăng hy vọng Ai Cập sẽ trải qua nền dân chủ và sự thịnh vượng kinh tế. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh quyền lực giữa Huynh đệ Hồi giáo với chính phủ do quân đội hậu thuẫn đã và đang tạo ra sự bất ổn cho đất nước có 85 triệu dân, quốc gia vốn có hiệp ước hòa bình với Israel, đồng thời kiểm soát kênh đào Suez - một tuyến đường thương mại toàn cầu quan trọng.
Các nhà quan sát cho rằng, phiên tòa xét xử ông Mursi dường như là “điểm nóng” tiếp theo trong cuộc đối đầu giữa hai lực lượng. Điều đáng nói là sự bất ổn đang làm tổn hại đáng kể đến du lịch và đầu tư ở Ai Cập. Các chuyên gia và giới phân tích cũng lo ngại nguy cơ bạo lực và đụng độ mới sẽ bùng phát sau sự việc này.
Theo AP, ông Mursi mặc dù từng đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử dân chủ, nhưng suốt 13 tháng nắm quyền, giữa ông và các cơ quan chủ chốt đã có những bất đồng sâu sắc, khơi mào cho cuộc đối đầu lên đến đỉnh điểm như ngày hôm nay.
Sau phiên xét xử ngày 4-11, ông Mursi có thể được đưa trở lại nhà tù bí mật, thay vì chuyển đến cơ sở giam giữ bình thường.
THIÊN BÌNH