Hàng loạt sự kiện diễn ra trên thế giới trong năm 2013, từ chuyện tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, bất ổn chính trị ở Thái Lan, đến cuộc nội chiến ở Syria, bạo động ở Ai Cập, hay siêu bão Haiyan tàn phá miền Trung Philippines...
10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2013 sau đây do Báo Đà Nẵng bình chọn.
Đông Bắc Á căng thẳng
Năm 2013, khu vực Đông Bắc Á “nóng” với cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Chỉ từ tháng 4 đến tháng 6, không quân Nhật Bản 69 lần báo động cho máy bay chiến đấu cất cánh khẩn cấp để ngăn chặn máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng gia tăng các hành động khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ảnh: AP |
Đáng lưu ý nhất là việc Trung Quốc tuyên bố thành lập “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) với những quy định mới, đồng thời chồng lấn ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều phái các máy bay đi qua ADIZ của Trung Quốc mà không hề thông báo với Bắc Kinh. Điều này khiến căng thẳng càng có nguy cơ leo thang. Bộ Ngoại giao Nhật Bản mô tả động thái của Bắc Kinh là “cực kỳ nguy hiểm” và “có thể gây ra những sự việc không thể lường trước”.
Syria đồng ý tiêu hủy vũ khí hóa học
Thỏa thuận giữa Mỹ và Nga về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học ở Syria đã giúp quốc gia Trung Đông này tránh được cuộc tấn công quân sự của Washington. Syria cũng bất ngờ đồng ý tiêu hủy kho vũ khí hóa học. Song, việc đồng ý như vậy chẳng khác gì là sự thừa nhận Damascus quả thật có vũ khí hóa học.
Lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa tiến hành chiến dịch tấn công ở thành phố Aleppo ngày 22-12. Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận giữa Mỹ và Nga cũng mở ra triển vọng tìm kiếm giải pháp chính trị chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua ở Syria. Kỳ vọng được đặt vào Hội nghị quốc tế về hòa bình Syria lần thứ hai, dự kiến diễn ra ngày 22-1-2014 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Cái bắt tay lịch sử giữa Iran và P5+1
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 không làm Israel hài lòng. TRONG ẢNH: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mô tả kế hoạch vũ khí hạt nhân của Iran tại trụ sở LHQ ở New York ngày 27-12. Ảnh: AFP |
Hơn 3 thập niên bất hòa, nghi kỵ, tháng 11-2013, Iran và Mỹ (cùng 5 cường quốc khác) cũng đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử, đánh dấu bước phát triển đáng kể nhất trong quan hệ giữa Tehran với P5+1. Theo đó, Iran sẽ ngừng làm giàu uranium trên mức 5% trong vòng 6 tháng, đổi lại sẽ được Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Ngoài ra, tất cả các vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran sẽ được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của IAEA và trong vòng 6 tháng, các bên sẽ tích cực đàm phán để đạt được một thỏa thuận toàn diện cuối cùng.
Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá thỏa thuận giữa Iran và P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) là một bước đột phá lớn vì ổn định, an ninh toàn cầu.
Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines
Siêu bão Haiyan tràn qua Philippines vào ngày 8-11 cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người, hơn 1.800 người khác mất tích và khoảng 27.000 người khác bị thương. Thành phố Tacloban, thuộc tỉnh Leyte, bị san phẳng.
Chờ đợi cứu trợ tại sân bay Tacloban. Ảnh: AFP |
Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng, ước tính thiệt hại do siêu bão Haiyan gây ra cho đất nước của ông là 12,9 tỷ USD.
Trong câu chuyện cứu trợ cho Philippines, Trung Quốc bị chỉ trích khi chỉ mở “hầu bao” 200.000 USD (gồm 100.000 USD do chính phủ viện trợ và 100.000 do Hội Chữ thập đỏ viện trợ). Trong khi đó, Mỹ cam kết cứu trợ tới 37 triệu USD.
Scandal do thám làm rung chuyển thế giới
Người dân Mỹ biểu tình ủng hộ Edward Snowden tại Washington. Ảnh: AFP |
Những tài liệu mật về chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do cựu nhân viên cơ quan này, Edward Snowden, tiết lộ đã gây chấn động mạnh. Không chỉ dư luận ở Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác phản ứng tức giận đối với chương trình gián điệp, với cách ứng xử “không đẹp” của Washington. Điều đáng nói, nạn nhân của NSA là cả Thủ tướng Đức Angela Merkel lẫn Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.
Bê bối bị phanh phui gây ra cơn bão ngoại giao giữa Mỹ với các đồng minh, đặt các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước những thử thách lớn. Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng, xin lỗi là chưa đủ mà cần phải có sự thay đổi lớn, sớm thiết lập một thỏa thuận khung với Mỹ về hoạt động do thám.
Chính phủ Mỹ đóng cửa vì cạn tiền
Việc Thượng viện bác dự luật ngân sách khẩn cấp cho năm tài khóa sắp tới vừa được Hạ viện thông qua dẫn tới các cơ quan liên bang đóng cửa từ 0 giờ 1 phút ngày 1-10 (trưa cùng ngày, giờ Việt Nam).
Các cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài trụ sở liên bang ở Los Angeles, phản đối việc chính phủ đóng cửa. Ảnh: AP |
Lần đầu tiên trong 17 năm, nhiều cơ quan liên bang Mỹ ngừng hoạt động do Quốc hội không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề ngân sách. Việc chính phủ liên bang cạn tiền đã được dự báo. Lịch sử lặp lại với Mỹ như thời Tổng thống Bill Clinton vào năm 1995-1996, lúc đó chính phủ đóng cửa trong 21 ngày.
Điểm “thắt nút” chính là chương trình chăm sóc y tế cộng đồng (gọi là chương trình Obamacare) nhằm mang lại lợi ích cho khoảng 32 triệu người không có bảo hiểm y tế.
Năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Năm 2013 được coi là năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhất là khi Tạp chí Forbes bầu chọn ông là nhân vật quyền lực nhất thế giới.
Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp báo thường niên ngày 19-12 tại Mátxcơva. Ảnh: AP |
Là đồng minh của Syria, Tổng thống Putin đã ngăn chặn cuộc tấn công của Mỹ vào quốc gia Trung Đông này khi ông thuyết phục được Tổng thống Bashar al-Assad đồng ý tiêu hủy vũ khí hóa học.
Trong câu chuyện của Edwards Snowden, ông đã cho “người thổi còi” này tị nạn, làm dấy lên những đồn đoán về sự rạn nứt trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Về thỏa thuận thương mại trị giá 15 tỷ USD với Ukraine, Nga cũng thắng châu Âu khi giành được cái bắt tay của Kiev. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định gói cứu trợ của Nga đối với Ukraine là một phần hành động của tình anh em chứ không nhằm tách Kiev ra xa Liên minh châu Âu (EU).
Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan
Từ ngày 24-11, các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan bắt đầu nổ ra sau khi Hạ viện thông qua dự luật ân xá gây tranh cãi. Dự luật này được cho là mở đường để cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về nước mà không bị ngồi tù.
Thủ đô Bangkok tràn ngập những người biểu tình chống chính phủ. Ảnh: AP |
Việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra giải tán Quốc hội, kêu gọi bầu cử lại vào ngày 2-2-2014 cũng không làm những người biểu tình nguôi giận. Trái lại, họ quyết tâm lật đổ bằng được bà Yingluck và quan trọng hơn là loại bỏ ảnh hưởng của ông Thaksin đối với nền chính trị Thái Lan.
Chưa rõ cuộc bầu cử sắp tới sẽ như thế nào khi Đảng Dân chủ đối lập tuyên bố tẩy chay sự kiện này.
Bạo động lật đổ chính quyền ở Ai Cập
Việc Tổng thống Mohamed Mursi bị lật đổ vào tháng 7-2013 qua các cuộc bạo động là hệ quả của việc thâu tóm quyền lực, xa cách với những gì mà người dân Ai Cập cần; thêm vào đó là khủng hoảng kinh tế vẫn nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp tăng đến 13%... Những người biểu tình cho rằng, vị Tổng thống đầu tiên được dân bầu đã lạm dụng quyền lực để củng cố vị trí cho Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.
Sinh viên Đại học Ain Shams biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Mursi và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo tại Cairo. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, việc phế truất ông Mursi gây ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa phe ủng hộ và không ủng hộ ông. Chính quyền lâm thời được sự hậu thuẫn của quân đội đã trấn áp những lãnh đạo của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và những người ủng hộ tổ chức này vào ngày 14-8 khiến hàng trăm người chết. 250 người trong số hơn 1.000 người thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bị bắt giữ và đối mặt với cuộc điều tra tội giết người, khủng bố.
Hai nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới qua đời
Ngày 5-12, Nelson Mandela - Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, biểu tượng của phong trào chống phân biệt chủng tộc - qua đời ở tuổi 95.
Cựu Tổng thống Nelson Mandela trong lần sinh nhật thứ 89 (tháng 7-2007). Ảnh: AP |
Nhắc đến Mandela là nói đến “hành trình dài đến tự do”. Tên tuổi của ông gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid và đưa đất nước Nam Phi trở thành quốc gia dân chủ đa chủng tộc.
Tang lễ của ông Mandela có sự hiện diện của gần 100 nhà lãnh đạo thế giới. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng, người dân Nam Phi và toàn thế giới mất đi một người anh hùng. “Di sản của ông (Nelson Madela) rất sâu sắc, bất tử và sẽ tiếp tục dẫn đường cho công việc của LHQ”, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.
Nhân vật thứ hai qua đời là Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người bạn lớn của dân tộc Việt Nam. Ông Chavez qua đời vào ngày 6-3 sau thời gian mắc bệnh ung thư. Sự ra đi mãi mãi của ông Nelson Mandela và ông Hugo Chavez để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cộng đồng thế giới.