Dân số thế giới dự kiến sẽ chạm mốc 11 tỷ người vào năm 2100. Theo các chuyên gia, việc làm thế nào để nuôi sống lượng người kỷ lục đó là một trong những câu hỏi lớn cả thế giới phải đối diện trong những năm tới.
Châu chấu rang là món ăn ở miền Nam Mexico. Ảnh: LiveScience |
Tuy nhiên, an ninh lương thực trong tương lai của thế giới không chỉ là vấn đề tạo thêm nhiều thực phẩm, mà còn phụ thuộc vào một số yếu tố đan xen như: quy mô dân số, biến đổi khí hậu, sản xuất lương thực, sử dụng lương thực và giá cả. Con người cũng phải chú ý hơn tới việc sử dụng các nguồn tài nguyên của trái đất, nếu không sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn. Đó là khuyến nghị của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) - tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu bảo vệ trái đất.
Thách thức
Theo WRI, để nuôi 9 tỷ người (dân số thế giới ước tính vào năm 2050), cần tăng 60% lượng calo thực phẩm. Khi tính tới lượng thực phẩm để nuôi gia súc, thế giới cần tăng lượng cây trồng lên 103%, hay 6.000 tỷ calo/năm. Đây cũng là những con số WRI đưa ra trong hàng loạt báo cáo năm nay của tổ chức này về tương lai an ninh lương thực thế giới.
Một trở ngại trong việc tăng sản lượng lương thực là biến đổi khí hậu. Dự tính tình trạng này sẽ làm giảm năng suất cây trồng ở một số khu vực trên thế giới. Một nghiên cứu công bố năm 2009 trên tạp chí Khoa học cho biết, vào năm 2100, các khu vực trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới sẽ phải trải qua nền nhiệt độ nóng chưa từng có trong mùa sinh trưởng, làm giảm năng suất cây trồng ở các vùng nhiệt đới từ 20-40%. Trong khi đó, khoảng 3 tỷ người, tức là gần 1/2 dân số thế giới, đang sống ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, dân số trong những vùng này cũng đang tăng nhanh hơn các khu vực khác.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan, như mưa lớn và lũ lụt, cũng như những biến đổi sâu sắc của thời tiết trong thời gian ngắn sẽ tạo thêm thách thức cho sản xuất nông nghiệp. Đó là quan điểm của Walter Falcon, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh lương thực và môi trường của Đại học Stanford.
Giảm lãng phí lương thực
Ông Jason Clay, chuyên gia quản lý tài nguyên thiên nhiên của Quỹ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), cho rằng để có thể tiếp tục nuôi sống lượng dân số ngày một tăng trong nguy cơ thiếu lương thực có thể xảy ra vì biến đổi khí hậu, việc sản xuất nông nghiệp toàn cầu cần có sự phối hợp nhiều hơn.
Một chiến lược khác giúp đảm bảo an ninh lương thực trong một thế giới có quá nhiều người đói đơn giản là giảm lãng phí lương thực. Theo WRI, 1/4 lượng calo được sản xuất cho con người tiêu thụ hiện nay bị mất hoặc bị lãng phí. Điều này liên quan tới việc thực phẩm bị làm hỏng, bị đánh đổ trước khi đến tay người dùng, hoặc bị vứt đi khi vẫn còn ăn được. Trung bình hằng năm, mỗi hộ gia đình Mỹ thất thoát khoảng 1.600 USD vì lãng phí thực phẩm.
Theo báo cáo của WRI, khoảng 56% thất thoát hoặc lãng phí lương thực toàn cầu xảy ra ở các nước phát triển, nhất là ở Bắc Mỹ và châu Đại Dương - nơi mỗi ngày thất thoát khoảng 1.500 calo/người. Tại các nước phát triển, phần lớn lương thực bị lãng phí ở công đoạn tiêu thụ. Trái lại, tại các nước đang phát triển, thất thoát lương thực xảy ra trong quá trình sản xuất, xử lý và lưu trữ.
Một số thay đổi có thể làm giảm thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu. Tại nhà, người Mỹ có thể giảm lượng thức ăn đổ đi bằng cách ăn lại đồ thừa và không chuẩn bị quá nhiều thức ăn trong các bữa hằng ngày.
Người Mỹ cũng thường nhận thức sai lầm về ý nghĩa của các nhãn ghi hạn sử dụng trên thực phẩm và thường vứt thực phẩm trước khi nó thật sự không dùng được. Trên các nhãn thường ghi “bán trước ngày....”, “sẽ tốt nhất nếu dùng trước ngày....” hoặc “sử dụng đến ngày...” nhằm chỉ chất lượng hoặc hương vị thực phẩm, không phải độ an toàn. Vậy nên theo WRI, mặc dù thực phẩm đã quá hạn ghi trên nhãn có vẻ kém hấp dẫn hơn đồ mới mua, nhưng vẫn hoàn toàn ăn được. Chính phủ các nước có thể hỗ trợ thêm bằng cách tạo ra những chỉ dẫn về việc các loại nhãn nào nên có trên bao bì và sau đó giải thích cho người tiêu dùng ý nghĩa của chúng.
Ăn khác đi
Jamais Cascio, thành viên danh dự của Viện nghiên cứu tương lai, chuyên gia cố vấn ở Palo Alto, California, cho rằng ngay cả khi đã bớt lãng phí lương thực, thế giới vẫn không thể “kham” nổi 11 tỷ người nếu cứ ăn theo cách những người Mỹ đang ăn hiện nay. Việc nuôi được 11 tỷ người sẽ cần một chế độ ăn khác, ăn ít thịt hoặc người tiêu dùng phải tự tạo các thực phẩm cho họ nhiều hơn.
Chẳng hạn, thịt bò là loại thực phẩm rất không bền vững. Cascio nói: “Nếu chúng ta thoát khỏi suy nghĩ nuôi 11 tỷ người nghĩa là phải đưa họ bánh mì sandwich kẹp thịt bò cỡ lớn, chúng ta sẽ có một khởi đầu tốt hơn”. Theo phân tích của Cascio, mỗi năm, lượng khí nhà kính thải ra từ việc sản xuất bánh hamburger kẹp pho-mát ở Mỹ tương đương với lượng khí thải nhà kính thải ra từ 6,5 triệu - 19,6 triệu ô-tô SUV (có khoảng 16 triệu chiếc SUV trên đường phố Mỹ).
Các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu loại thịt nuôi cấy, còn gọi là thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu ở Hà Lan đã giới thiệu loại bánh hamburger được chế trong phòng thí nghiệm của họ và cho phép nếm thử hương vị. Tuy nhiên, ngay lúc này, chi phí sản xuất còn rất đắt (một ổ bánh hamburger như thế có giá 325.000 USD) và cũng không có mùi vị giống thịt. Nhưng với các nghiên cứu trong tương lai, giá thành chắc chắn sẽ giảm và hương vị sản phẩm cũng sẽ được cải thiện.
Và cũng đừng quên côn trùng. Theo báo cáo nghiên cứu của UN, bọ cánh cứng, ong bắp cày, châu chấu và các loài côn trùng khác là những loài chuyển đổi rất hiệu quả lượng thực phẩm chúng ăn thành khối lượng cơ thể, mất rất ít không gian và thải ít khí nhà kính hơn gia súc. Mặc dù việc ăn côn trùng với nhiều người phương Tây có vẻ như rất ghê tởm, nhưng côn trùng đã là thành phần trong bữa ăn của khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới.
Trồng cây cũng khác
Theo chuyên gia Clay của WWF, người nông dân cũng có thể tập trung vào trồng các loại cây cung cấp nhiều calo nhất nhưng lại phải dùng ít hơn cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chuối là ví dụ của loài cây cung cấp rất nhiều calo nếu so với nguồn tài nguyên người ta cần để trồng. Chẳng hạn, 1kg chuối chứa khoảng 1.000 calo và mất khoảng 500-790 lít nước trồng. Trong khi đó, để tạo ra 1.000 calo thịt bò, cần khoảng 5.133 lít nước. Một kg thịt bò chứa 3.000 calo và cần 15.400 lít nước để sản xuất.
Thêm nữa, sản xuất nông nghiệp ở một số vùng trên thế giới không thật hiệu quả. Ông Tim Thomas, nhà kinh tế học thuộc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực thế giới của Mỹ, cho rằng những phát kiến mới của giới khoa học nhằm có được các vụ mùa bội thu, hoặc thông qua kỹ thuật di truyền, hoặc các kỹ thuật chăm bón cây trồng truyền thống, đều giúp phòng chống mất mùa trong tương lai do những điều kiện thời tiết cực đoan.
Một chiến lược như vậy sẽ tương tự chiến lược đã được áp dụng trong cuộc Cách mạng xanh. Ở đó, nghiên cứu và phát triển đã được vận dụng để tăng sản lượng cây trồng toàn thế giới suốt từ những năm 1940-1970. Nhưng lần này, con người sẽ phải làm việc với phần đất họ đang có chứ không phải đưa những phần đất mới vào canh tác. Nâng cao sự đa dạng cây trồng sẽ giúp chúng ta sử dụng đất hiệu quả hơn. “Chúng ta cần một cuộc cách mạng xanh mới”, ông Thomas khẳng định.
DƯƠNG KIM THOA (Theo LiveScience)